Phòng thi thứ ba dành cho kiểu người như Hoàng Bách Hàm, các môn đều trung bình như lại không phải là thí sinh hàng đầu, thuộc trình độ hỗn hợp giữa 985 và top đầu 211.
Trần Trứ đi theo đám đông đến phòng thi thứ hai, nơi này hầu như đều là học sinh của lớp anh và lớp thực nghiệm còn lại, thỉnh thoảng mới thấy hai hoặc ba học sinh của lớp bình thường.
Trần Trứ ngồi im lặng một lúc để điều chỉnh tâm trạng, khi vừa nghe thấy tiếng “reng reng” là giám thị bắt đầu phát bài thi.
Thứ tự thi thử lần một cũng là thứ tự các môn thi tuyển sinh đại học, gồm Ngữ văn - Toán - Lý - Anh - Hóa, với tổng thời gian là một ngày rưỡi.
Trần Trứ cầm lấy đề thi Ngữ văn tỏa ra mùi mực, vừa chà sát mặt giấy nhẵn mịn, vừa liếc sơ qua một lần, trong lòng dần dần ổn định lại.
Sự tích lũy kiến thức hiện tại của anh có thể dễ dàng bao trùm việc phân tích những bài thơ và bài hát đó. Ngay cả khi đối mặt với một làm văn 800 từ mà trước đây anh phải vò đầu bức tóc mới có thể viết nổi, thì giờ đây anh đã có sẵn ý tưởng trong đầu chỉ bằng cách nhìn vào trọng tâm của đề bài.
Dù sao khi còn làm nhân viên, Trần Trứ đã soạn thảo rất nhiều bản thảo về quy tắc ngành nghề mang tính chất toàn tỉnh, những công văn chính thức đó chỉ đụng một cái là dài hàng vạn chữ.
Bài làm văn 800 chữ của học sinh cấp ba hoàn toàn chỉ là chuyện vặt vãnh, sau khi viết xong, thậm chí anh còn cảm thấy vẫn chưa đủ đã.
Hai tiếng rưỡi sau, chuông kết thúc kỳ thi vang lên. Mọi người nộp bài và bước ra khỏi phòng thi, các bạn cùng lớp quen biết nhau mỉm cười nhìn nhau.
Đây không có ý bảo mọi người đều phát huy rất tốt, mà là những môn như Ngữ văn này thực sự không có gì để thảo luận, tóm lại ai cũng có thể viết bừa cho đủ giấy.
Đây cũng có thể là lý do Ngữ văn được xếp vào môn thi đầu tiên, để thí sinh có thể từ từ thích ứng với nhịp điệu của kỳ thi.
Điều thực sự khiến một vài người thấy buồn, một vài người thấy vui chính là bài thi môn Toán vào buổi chiều.
Sau khi bài thi môn Toán kéo dài hai tiếng kết thúc, ngoài vị thần toàn năng ở phòng thi thứ nhất, còn có hai mươi vị thần ngủ ở phòng thi thứ nhất từ dưới đếm lên, vẻ mặt của mọi người đều khá nặng nề.
Một số người mặt đỏ bừng như vừa mới tắm hơi xong, nguyên nhân là do câu hỏi quá khó hoặc không có đủ thời gian, hoảng sợ quá mức khiến máu huyết lưu thông nhanh.
Tóm lại, câu đầu tiên mà hầu hết các thí sinh bước ra khỏi phòng thi sẽ nói chính là: “Xong rồi! Điểm Toán lần này có thể đạt chuẩn 90 điểm là được!”
Sau đó là một loạt âm thanh đối đáp.
“Đáp án của câu hai là C đúng không?”
“Cậu tính ra đáp án cho phần điền chỗ trống của câu hỏi cuối cùng chưa?”
“Trời ơi! Mặt sau còn có câu hỏi hình học cuối cùng hả? Mình hoàn toàn không thấy!”
…
Trần Trứ là một trong những thí sinh đạt 140 điểm môn Toán, rất nhiều bạn học đặc biệt chạy tới tìm anh để tra đáp án. Nếu như kết quả y hệt nhau, bọn họ sẽ vui mừng khôn xiết.
Nếu như kết quả không giống, có vài học sinh lập tức mất hết ý chí, cũng có vài học sinh không cam tâm, tiếp tục chạy đi tìm những vị thần toàn năng khác để tra khảo.
“Trần Trứ! Trần Trứ!”
Đột nhiên anh nghe thấy có ai đó đang gọi tên mình.
Trần Trứ quay đầu lại, đó là một nam sinh gầy gò nhưng tràn đầy sức sống chạy tới. Cậu ta vừa thấy mặt liền vội vàng hỏi: “Trần Trứ, đáp án của câu hỏi hình học cuối cùng là 0 hay -1?”
Trần Trứ nhớ rằng người này tên là Vương Trưởng Hoa. Hai người là bạn học cấp hai, sau khi vào cấp ba, họ ít liên lạc hơn vì học khác lớp.
Tên thật của cậu ta thật ra là Vương Trưởng Hoa*, nhưng khi gia đình cậu ta đến đồn cảnh sát đăng ký hộ khẩu, vì vấn đề khẩu âm nên đã nói thành “Vương Trưởng Hoa”, do đó cái tên nữ tính này đã theo cậu ta suốt đời.
*Vương Trưởng Hoa: Tên khi dịch Hán Việt y chang nhau, nhưng phát âm khác nhau. 王长华 (Wáng Zhǎng Huá – Hoa trong phồn hoa), sau đổi thành 王长花 (Wáng Zhǎng Huā – Hoa trong bông hoa).
Nhưng mỗi lần sau kỳ thi Toán, Vật lý và Hóa học, cậu ta rất thích chạy đến tìm Trần Trứ để tra đáp án.
“Tôi tính ra đáp án của câu hỏi cuối cùng là -1.”
Trần Trứ nói với đối phưng.
“Yes! Yes! Yes!”
Vương Trưởng Hoa nghe được đáp án, hưng phấn giơ nắm đấm: “Ổn rồi, lần này thật sự ổn rồi. Cảm giác điểm Toán có khả năng trên 130 điểm.”
Bên cạnh có một học sinh quen biết Vương Trưởng Hoa đáp lại với giọng hơi giễu cợt: “Trưởng Hoa, cậu lại khoác lác rồi. Lần trước cậu cũng nói có thể được 130 điểm trong bài kiểm tra Toán, nhưng kết quả cậu chỉ được 90 điểm.”
Vương Trưởng Hoa bị chế giễu nhưng không tức giận, phản bác một cách có lý: “Sao có thể gọi người có học thức là kẻ khoác lác, đây gọi là có lòng tin với bản thân. Trần Trứ, câu hỏi cuối cùng cậu chọn D đúng không?”