Chương 1: Luật Công Bằng

Trước

Tiếp

Phiên bản convert 11819 chữ

1.

Sau khi ba tôi cấp cứu thất bại, mẹ mới gọi điện thoại cho tôi. Tình cảm cha con lạnh nhạt nên không được gặp ông lần cuối, tôi cũng không ân hận.

Năm đó khi cãi nhau, tôi nói với ông những lời tàn nhẫn, “Sống không nuôi, chết không chôn.” Nhưng cuối cùng tôi cũng nuốt lời. Không chỉ về nhà tham dự tang lễ mà còn đồng ý gánh vác 100.000 tệ tiền phí mai táng. (Tầm 340 triệu VNĐ)

Năm năm tôi không về, ngôi nhà này đã rất xa lạ. Nhất là trong phòng khách nhỏ hẹp còn hai ba người thân đang giúp thu xếp việc tang lễ, càng cảm thấy chật chội hơn.

Nhìn mẹ với hai bên thái dương lấm tấm hoa râm, hốc mắt tôi cay cay. Nhưng tầm mắt xẹt qua một loạt vỏ chai rượu rỗng trên tủ, tôi lại cau mày. Ba tôi mang đủ thứ bệnh mãn tính, ông thức đêm chơi mạt chược, đột ngột qua đời vì nhồi máu cơ tim.

“Con nhớ bác sĩ yêu cầu ba uống ít rượu.”

Mọi người chưa kịp trả lời, một cô gái trẻ từ cửa phòng khách bước ra. Váy đen, áo đen, gương mặt nhỏ nhắn tái nhợt, đôi mắt sưng đỏ đong đầy nước mắt, nhìn thấy mà thương. Cô nói bằng giọng mũi: “Ba không có sở thích gì, chỉ thích uống mấy hớp rượu. Bao năm chị không về, về nhà một lần thì chỉ quản này quản kia? Chưa kể người chết là lớn nhất, cho dù ba có gì không đúng thì chị đừng chỉ trích ông…”

Không hổ là em gái tôi, Hứa Hân Duyệt. (Hân Duyệt 欣悦 đều có nghĩa vui mừng, vui vẻ) Nói mấy câu là có thể khơi lửa giận trong tôi.

Nếu khi còn nhỏ, tôi sẽ nổi giận đùng đùng, chất vấn Hứa Hân Duyệt, lời này của cô ta có ý gì. Chắc chắn cô ta “lời chưa nói nước mắt đã rơi”. Sau đó ba mẹ và họ hàng sẽ trách móc tôi.

“Sao con lại chọc em khóc?”

“Không có ra dáng chị tí nào.”

Bao năm trôi qua, tình hình chúng tôi cũng không hề thay đổi.

Em gái vừa dứt lời, mẹ tôi đã lo lắng nhìn qua, những họ hàng đang giúp đỡ ngồi trong phòng khách cũng lộ vẻ khinh miệt. Tựa như ngay sau đó tôi sẽ ăn tươi nuốt sống Hứa Hân Duyệt.

Tôi xua xua tay, dường như hoàn toàn không hiểu ý ở ngoài lời của em gái: “Chị không ở nhà, em và mẹ chăm sóc lo cho ba cơm ăn áo mặc hàng ngày đã đủ vất vả. Chị chỉ cảm kích chứ không dám nói lời nào. Nhưng mà chị muốn đính chính. Em gái à, mỗi tháng chị gửi về nhà 3000, đó là tiền sinh hoạt trong nhà, em đừng quên chứ.” (Tầm 10 triệu VNĐ)

Lần này, ánh mắt họ hàng lập tức dịu đi rất nhiều. Ở huyện thành cấp 18 này, tiền lương bình quân rất thấp, người trẻ tuổi có thể trợ cấp cho gia đình thực sự hiếm có.

Hứa Hân Duyệt sững sờ một lúc.

Có lẽ cô ta đang thắc mắc, sao người chị thẳng tính kia đột nhiên như “trong bông có kim”?

Không chỉ cô ta thắc mắc. Trong lòng tôi cũng thầm cảm thấy buồn cười.

Mấy năm gian khổ nơi công sở có thể thấy không phải vô ích. Thật ra dùng bản lĩnh cướp khách hàng để đối phó với người nhà thì quá lạnh lùng. Nhưng không còn cách nào khác. Ai bảo trong nhà này tôi lại là một người không được chào đón nhất chi?

Nếu không thể nói tình cảm, vậy thôi làm việc chính đi.

Tôi ngồi xuống cạnh bác, lấy ra một tấm thẻ.

“Số tiền lo đám tang cho ba, mẹ cháu nói, cháu với em cháu chia đều. Bên trong này có 50.000, ngày hôm qua cháu đã chuyển cho mẹ 50.000, tổng cộng 100.00. Đây là phần của cháu.”

Bác chúng tôi là người trưởng tộc, mọi việc ma chay cưới hỏi ở quê đều do ông lo liệu. Ông cầm tấm thẻ, chần chừ, nhìn sang mẹ tôi.

Mẹ tôi hơi mất tự nhiên: “Được được, bác cả, bác viết đi.”

Vì thế bác mở quyển sổ trong tay, ghi thêm mấy chữ. Tôi thấy trên sổ ghi tên Hứa Hân Duyệt, con số phía sau còn bỏ trống.

Tôi mơ hồ cảm thấy không đúng. Ngày mốt đã đưa tang, tại sao em gái vẫn chưa đưa tiền?

2.

Điện thoại rung lên, một đồng nghiệp hỏi tôi vài điều về công việc. Tôi xin nghỉ phép đột xuất vì có tang, làm khó cô ấy gánh vác thay lâu vậy mới phải điện hỏi tôi.

Tôi cầm điện thoại ra ngoài định gọi lại nói chuyện. Chưa kịp gọi thì Trần Quân đã gọi đến trước.

Có lẽ vì là “em trai”, lại còn đang trong giai đoạn yêu đương nồng nhiệt nên anh ấy lúc nào cũng dính lấy tôi. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ đề cập chuyện gia đình với anh ấy. Lần này mua vé máy bay về gấp tôi cũng không báo. Lúc này chắc Trần Quân nghĩ tôi đang ở công ty, gần tan làm.

Tôi nhận điện thoại, nghe Trần Quân kể chi tiết chuyện lớn chuyện nhỏ hôm nay đã làm, gặp khách hàng nào, tối nay sẽ đưa tôi đi đâu ăn tối. Tầm một phút sau, tôi mới nói được với anh, tôi đang xin nghỉ phép vì nhà có tang, đang ở quê.

Trần Quân lập tức lo lắng. “Ai mất?”

“Ba em, nhồi máu cơ tim không cứu được.”

“Sao không nói với anh để cùng về với em giải quyết.”

Tôi nói: “Không sao, quê em nhiều người biết cách làm tang ma, em không hiểu, anh càng không hiểu, có đến cũng vô dụng. Mọi việc em cứ nghe người lớn sắp xếp là được.”

Giải quyết xong Trần Quân, lại gọi hai cuộc điện thoại công việc ngắn gọn, tôi quay người vào nhà.

Trước khi đẩy cửa, tôi nghe Hứa Hân Duyệt đang nói. Giọng điệu rất chân thành, khiêm tốn mà người lớn yêu thích.

“Chị không rơi giọt nước mắt… còn có thể giải quyết công việc, thật bình tĩnh, có thể làm nên chuyện lớn. Không giống con, ba đột ngột mất đi, đầu óc loạn lên chỉ biết khóc, không làm được chuyện gì cả, còn phải làm phiền mấy cô bác.”

Khen công khai chê ngấm ngầm, đây là kỹ năng xưa giờ của Hứa Hân Duyệt.

Quả nhiên cô tôi tiếp lời: “Năm đó cha con cãi nhau còn mang cả dao ra, chỉ sợ con bé Hứa Thiến này tính tình nóng nảy, còn ghi hận…”

Tôi cầm di động đứng trong gió thu lành lạnh, lòng “À” lên.

Đúng là tôi rất nóng tính.

Cuộc cãi vã dẫn đến cha con cắt đứt tình nghĩa, lấy cả dao phay trong bếp ra làm đạo cụ cãi nhau là vì năm cuối tôi thực tập đi thuê nhà, bị người môi giới vô lương tâm lừa tiền đặt cọc, trên người không còn tiền nên muốn mượn trong nhà mấy ngàn xoay sở.

Ba tôi lại không cho một xu. Còn mắng tôi sao không đánh mắt cho bóng lên, tại sao người môi giới kia không lừa người khác mà đi lừa tôi.

Tôi cũng tức nghẹn, “Phải, mới ra đời không hiểu gì cả, con bị lừa là đáng, bị mắng cũng đáng!”

Ngày hôm đó, đồ Hán phục mà Hứa Hân Duyệt mua được giao đến. Tràn đầy cả ba túi. Tôi biết em ấy thích những thứ này nhưng không ngờ lại mua nhiều như vậy.

Tôi nhìn ba chằm chằm, giọng lạnh lẽo.

“Cùng là con gái trong nhà, tại sao Hứa Hân Duyệt có thể tiêu mấy ngàn đồng mua Hán phục, con không thể có mấy ngàn tiền thuê nhà?”

Ba tôi không hề nghĩ ngợi, buột miệng thốt ra: “Mày so được với em à?”

Nói hay lắm.

Từ nhỏ đến lớn tôi không thể so với Hứa Hân Duyệt. Bởi vì nếu so, tôi sẽ tức chết.

Người đứng hạng nhất lớp là tôi, mẹ mua bánh kem khen thưởng thì cũng phải mua cho Hứa Hân Duyệt một cái.

Khi điểm thi Hứa Hân Duyệt tiến bộ thì tôi không được chạm vào những con búp bê của em.

Cùng là cảm sốt, tôi chỉ được câu “uống nhiều nước ấm”, Hứa Hân Duyệt được lập tức đưa đi cấp cứu khám bệnh.

Tôi mới tốt nghiệp đại học, trong túi không tiền, một xu cũng phải chia thành hai mà tiêu xài, ở trong căn phòng thuê dột nát, ăn mì gói nước suông mỗi ngày.

Hứa Hân Duyệt tốt nghiệp, ở nhà ăn chơi không hai năm liền, ba mẹ hầu hạ cơm bưng nước rót, chăn êm nệm êm, còn tiêu tiền để tạo quan hệ.

Tôi thường nghĩ, có lẽ tôi không phải con ruột?

Nhưng người một nhà vẻ ngoài giống nhau, là chứng minh tốt nhất cho máu mủ. Vì thế tôi tự giễu, ông bà nói không đúng hoàn toàn.

Trời giao sứ mệnh cho người thì trước tiên nên cho một cặp cha mẹ bất công. Điều này không phải là khắc cốt ghi tâm hơn cả sự đói khát về thể xác sao?

Tôi đẩy cửa vào, xách hành lý của mình lên, “Muộn rồi, con về khách sạn ngủ, sáng mai về sớm.”

Mẹ đứng lên ngượng ngập: “Thiến Thiến, phòng con không ai ở nên hơi… hay là con ngủ cùng giường Duyệt Duyệt đi. Ra ngoài khách sạn ở để người khác thấy rất kỳ.”

Có gì mà kỳ cục. Chẳng lẽ tôi sống trong sự đàm tiếu của bảy cô tám dì sao?

Tôi đẩy vali ra ngoài, không quay đầu.

Bên tai vọng tới tiếng thở dài.

“Con bé này hư rồi.”

“Tính tình bướng bỉnh.”

Tôi vờ như không nghe thấy.

3.

Mấy năm nay quê tôi phát triển từng ngày, trung tâm thành phố có một khách sạn nhìn rất khá, nhưng giá vẫn rất dễ chịu.

Sáng sớm hôm sau, tôi ăn sáng ở khách sạn xong mới về nhà.

Quả nhiên người trong nhà cũng mới dậy.

Hứa Hân Duyệt đang dọn bữa sáng từ bếp ra. Nó với mẹ, cùng cô bác đến phụ giúp, mỗi người một chén cháo ngũ cốc. Mọi người đang định động đũa thì như mới phát hiện thiếu phần tôi.

Hứa Hân Duyệt che miệng, kêu lên: “Chị, em quên chuẩn bị bữa sáng cho chị.”

Bác gái lên tiếng xoa dịu: “Thiến Thiến, chén này bác chưa động đến, chia cháu một nửa.”

Tôi từ chối: “Không cần đâu bác, cháu đã ăn ở khách sạn.”

Loại trò vặt không chừa cơm cho tôi thế này tôi đã quá quen.

Năm 12, năng lượng tiêu thụ quá nhiều, nhà ăn không có nước sôi, hết giờ tự học buổi tối tôi luôn đói bụng. Tôi đã vài lần nói với ba mẹ là nấu cơm chiều nhiều một chút, chừa cho tôi ít để ăn khuya.

Ngày đầu tiên, Hứa Hân Duyệt giúp làm việc nhà, tiện tay đem đổ hết thức ăn thừa.

Ngày hôm sau, cơm chiều có món Hứa Hân Duyệt thích, ăn sạch.

Ngày thứ ba, chừa lại một chén cháo loãng có thể nhìn thấy đáy.

Sau đó, tôi thà gặm màn thầu cải muối cũng không nhắc lại việc gia đình chừa cơm tối cho tôi.

Người khác vấp ngã một lần khôn lên một chút. Tôi là ăn ít một bữa cơm, khôn lên một ít. Hiệu quả như nhau.

Mọi người còn đang ăn sáng, chuông cửa reo.

Tôi đi mở cửa, nhưng nhìn thấy người bên ngoài thì sắc mặt thay đổi.

Là Trần Quân.

Tôi từng mượn tài khoản của anh mua đồ gửi về nhà, có lẽ anh theo manh mối này tìm đến. Trần Quân đầm đìa mồ hôi, thấy tôi thì nở nụ cười. Trên tay xách theo túi lớn túi nhỏ, đầy ắp quà cáp.

“Thiến Thiến, anh cảm thấy hiện giờ em rất cần anh nên anh đến tìm em.”

Ai cần anh?

Tôi đen mặt đẩy Trần Quân vài bước, trở tay đóng cửa. “Anh đến làm gì? Em đã nói anh không cần đến.”

Trần Quân hơi ấm ức nhưng vẫn kiên trì: “Sinh lão bệnh tử là chuyện lớn đời người. Anh hỏi qua ba mẹ, hỏi bạn bè, ai cũng nói trường hợp thế này anh cần có mặt.”

Tôi nhíu mày, “Anh hỏi nhiều người vậy có lợi ích gì? Đây không phải là chuyện nhà em sao? Có liên quan gì đến người khác?”

Chúng tôi đang cãi nhau, mẹ mở cửa xem xét. Giờ thì phải giới thiệu.

Thật ra Trần Quân là người bạn trai có thể trưng ra được. Đẹp trai, cao ráo, chân dài, tốt nghiệp trường danh giá, gia cảnh trung lưu.

Quả nhiên vẻ hài lòng hiếm thấy xuất hiện trên mặt mẹ tôi.

Trên thực tế, nhiều năm thế nhưng hiếm có việc nào của tôi mà bà hài lòng.

Đứng thứ nhất, bà chê tôi không đạt điểm tối đa.

Học đại học, bà chê ước vọng xa vời.

Ở Thượng Hải làm việc, bà chê tôi không vào biên chế, không ổn định.

Vì vậy tôi ngạc nhiên nhìn bà và Trần Quân một hỏi một đáp. Nói đến chỗ xúc động, bà rưng rưng nước mắt.

“Tiểu Trần, nhìn thấy Thiến Thiến tìm được bạn trai tốt thế này, ba con bé mất cũng yên lòng nhắm mắt. Trước khi mất ông ấy còn nói có hai đứa con gái chưa lấy chồng, ông đi không an lòng.”

Không ngờ… khi ba hấp hối có nhắc đến tôi sao?

Lòng tôi bị véo mạnh một cái. Mặc dù tôi thường xuyên cảnh cáo bản thân, đừng ôm quá nhiều hy vọng với ba mẹ, vì mong đợi càng nhiều, thất vọng càng lớn.

Nhưng đột ngột nghe được lời quan tâm, vẫn cứ làm tinh thần tôi không yên.

Theo sau đó, là buồn thương và… hối tiếc.

Có lẽ, tôi không nên nghĩ về gia đình xấu như vậy?

Rốt cuộc trong lòng họ còn có tôi. Cho dù chỉ là một chút, rất nhỏ. Nhưng ít nhất nó cũng từng tồn tại.

Trần Quân cầm bàn tay tôi đang đặt trên đầu gối, mặt quả quyết.

“Cô yên tâm, cháu sẽ chăm sóc Thiến Thiến thật tốt.”

Tôi hơi ngại đỏ mắt trước mặt mọi người, vì vậy đứng dậy ra ngoài hóng gió.

Nhưng gió lạnh không thổi tan nỗi buồn trong lòng tôi. Nói không chừng, cái chết đột ngột của ba lần này là lời cảnh báo cho tôi rằng “con muốn phụng dưỡng cha mẹ chẳng còn”.

Quan hệ gia đình căng thẳng như thế, có lẽ tôi nên tìm cách xoa dịu?

Nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng tôi, ảo tưởng của tôi chỉ kéo dài không tới một ngày đã bị tàn nhẫn phá bỏ.

Mẹ dùng hành động thực tế nói cho tôi biết---

Hứa Thiến, mày vĩnh viễn là đứa con gái có cũng được không cũng chả sao.

Bạn đang đọc Luật Công Bằng

Trước

Tiếp

Thông Tin Chương Truyện

  • Đăng bởi

    TruyenYY Pro

  • Phiên bản

    convert

  • Thời gian

    1y ago

  • Lượt đọc

    15

  • Đọc chương VIP load siêu nhanh trên ứng dụng dành riêng cho iOS và Android. Nhấn vào link sau để tải ngay nhé!