Chương 68: Mười Hai Năm Kịch Cố Nhân

Phiên bản 16772 chữ

Thuở thiếu thời, anh thường sai người dựng sân khấu kịch trong đình ở hoa viên sau nhà, trước mái hiên treo ngợp đèn lồng, dùng vải sa tanh để làm màn sân khấu... khách chưa đến, đèn chưa lên. Khách đến, đèn đuốc sáng ngời, cảnh náo nhiệt ngày ấy, không từ nào có thể miêu tả hết.

Ban nãy chợt nhớ lại chuyện ngày xưa, bởi vậy anh chỉ kéo một nửa rèm. Anh muốn chờ mặt trời xuống núi, chờ cô về nhà mới bật đèn lên.

Đáng tiếc Thẩm Hề về nhà quá sớm.

"Trước khi em về, kịch cũng chẳng có gì thú vị." Anh thầm thì, chóp mũi trượt từ trán cô xuống, ngửi mùi hương trên người cô, mùi phấn nước son môi này chỉ có ở con gái Trung Quốc, "Em vừa về, anh thấy khác hẳn."

Anh hôn cô, nhấm nháp vị cà phê giữa môi răng cô.

"Ừm, là cà phê sữa." Anh nhận xét, "Mấy hôm nay anh chỉ được uống nước, không có vị gì cả."

Phó Đồng Văn nghiêng đầu nở nụ cười, như cậu ba lạc đường đang chờ cô đốt đèn hầu hạ.

Thẩm Hề và anh nhìn nhau chăm chú.

Cô sợ mất đi anh, sợ hơn bất cứ ai, ngoài anh ra, trên thế gian này cô không còn người thân nào. Ở cô, những tình tiết kinh điển trong các vở kịch cứ luân phiên diễn ra, người trung lương thì thường bị hại, người tốt lại hay chết sớm. Có không muốn đến cuối cùng vẫn phải trải qua chia ly.

Non nước thái bình, sẽ chỉ là một lời gửi gắm tốt đẹp, cô không nhìn thấy con đường phía trước đang ở phương nào.

Chẳng lẽ nghĩa tình trăm năm... cũng không làm được ư?

Thẩm Hề vừa mới gặp mặt Trần Lận Quan, vẫn chưa vực đậy được tâm trạng sa sút của mình, sợ rằng cảm xúc thất thường sẽ làm ảnh hưởng đến tâm trạng của anh nên né tránh gương mặt anh, nhìn tờ báo đang mở trên bàn lùn: "Đừng đọc báo nữa, không tốt cho bệnh tình của anh đâu."

"Được." Anh nghe lời cô gấp tờ báo vào, "Em nói không đọc thì không đọc nữa."

"Nếu em nói gì anh cũng nghe nấy..."

Thì cũng không đến ngày hôm nay.

Anh cầu hòa: "Em và bạn đi uống cà phê, anh ở nhà chờ đợi mòn mỏi. Em vừa mới về thì cũng đừng dạy dỗ anh chứ."

Thẩm Hề trách móc nhìn anh, cầm tờ báo đi.

"Bảo Đàm Khánh Hạng chuẩn bị đi." Phó Đồng Văn tựa lưng vào ghế sô pha, "Bộ trưởng và phu nhân tối nay đến, định ở lại ăn bữa cơm."

"Anh đã nói với anh Đàm chưa?"

"Không dám nói, gần đây em và cậu ta đều nóng tính quá mà." Anh giễu cợt.

Còn không phải vì anh ư...

Thẩm Hề không muốn vạch trần sự thật "tủi thân" của anh, bèn ôm chồng báo ra ngoài.

"Không chỉ có hai người đâu mà ít nhất là bốn, năm người. Còn nữa, phu nhân thích lạp xưởng hun khói và hàu sống." Anh bổ sung.

"Không ăn đồ Trung sao?" Cô quay đầu lại hỏi: "Em tưởng họ lâu rồi chưa về nước, sẽ thích ăn đồ Trung hơn."

"Phu nhân muốn làm mọi người vui vẻ nên lãnh sự quán luôn nấu món Trung." Anh trả lời, "Hôm nay nên đổi khẩu vị."

Sau khi họ đến Pháp thì thuê một phụ nữ người Pháp dọn dẹp nhà cửa, thỉnh thoảng sẽ nấu cơm Tây.

Hôm nay vừa vặn có thể nhờ được.

Trời vừa tối, khách khứa đúng giờ đến nhà. Ngoài bộ trưởng và phu nhân ra, những người khác đều là công sứ đóng ở nước ngoài có quen biết với Phó Đồng Văn. Trong tiệc mừng hồi tháng Giêng Thẩm Hề đã được gặp họ, trên bàn cơm hôm ấy ai ai cũng mang sắc mặt vui vẻ, còn hôm nay như già đi mấy tuổi, vẫn lịch sự ga lăng mang qua đến, khách sáo ôn lại chuyện cũ với chủ nhân, nhưng sau đôi mắt đã không còn nét cười.

Bữa tối được sắp xếp trong ba tiếng đồng hồ, vậy mà chưa tới nửa tiếng, ngoài bộ trưởng và phu nhân, những người còn lại đều chào tạm biệt ra về.

Trên bàn ăn, hàu tươi óng ánh dưới ánh nến.

Không ai còn khẩu vị ăn chúng.

"Tôi đã gửi rất nhiều điện báo về nước, nhưng không có hồi âm." Bộ trưởng nói.

Giữa các nước lớn đã nhất trí, chuyển lợi ích của Đức ở Sơn Đông cho ngườ Nhật Bản.

Trung Quốc không có tư cách thảo luận, cũng không có tư cách phản đối.

Đoàn đại biểu lập tức thông báo kết quả hội nghị cho chính phủ trong nước.

Nhưng ngày ký hiệp ước ngày một đến gần, chính phủ Bắc Dương từ đầu tới cuối luôn tỏ thái độ đùn đẩy, không có bất cứ quyết định nào.

Cho nên đoàn đại biểu trở thành đối tượng bị công kích, bị cô lập ở Paris. Họ mang mục tiêu nửa nhục cũ, trên đường đi trải qua vô số khó khăn, sau khi đến Paris gian nan hòa giải, đàm phán đến tận hôm nay... nhưng cuối cùng vẫn bị vứt bỏ, trở thành con cờ thí.

Nếu ký tên vào bàn hiệp ước không bình đẳng ấy thì chính là trách nhiệm của đoàn đại biểu, hổ thẹn với quốc gia nhân dân; nếu như không ký, cũng là trách nhiệm của đoàn đại biểu, đắc tội với các nước lớn.

"Lần này, không thể ký được... không thể ký được nữa."

Phó Đồng Văn không phải người của Bộ Ngoại giao, anh chỉ là một thương nhân, không có quyền bình luận.

Anh dùng chiếc đĩa bạc lấy nửa miếng bánh mì trong chiếc đĩa màu trắng lên.

Thẩm Hề giả bộ lơ đãng không chú ý. Dưới ánh nến, cô thấy bàn tay phu nhân gác bên mép bàn ăn nổi gân xanh, mạch máu nổi rõ, hằn dấu vết già nua. Lúc này cô mới nhận ra phu nhân đã sáu mươi lăm tuổi rồi, mà vẫn bôn ba khắp nơi theo chồng...

Ngoài cửa sổ chợt vang lên tiếng ồn ào.

Thẩm Hề đặt cốc thủy tinh đựng nước xuống: "Em đi xem sao."

Cô đến phòng khách, Đàm Khánh Hạng cũng ở đó.

"Là du học sinh ở Pháp, hơn trăm người." Đàm Khánh Hạng nói rất nhanh, "Chẳng phải họ vẫn luôn biểu tình trước lãnh sự quán Pháp ư? Sao lại tìm đến đây rồi?"

"Xe của bộ trưởng đang đỗ trên bãi cỏ, rất dễ tìm." Thẩm Hề giải đáp.

"Tôi ra ngoài trước xem thế nào, cô gọi điện thoại cho lãnh sự quán sắp xếp người đến đón."

Anh ta vừa dứt lời, Phó Đồng Văn và bộ trưởng, phu nhân lần lượt từ phòng ăn ra.

"Mấy ngày nay họ đều ở bên ngoài lãnh sự quán, tôi và một số người bên họ cũng như coi đã tiếp xúc với nhau." Bộ trưởng cười gượng, "Để tôi ra trước nói mấy câu."

Phó Đồng Văn định ngăn ông lại, nhưng phu nhân lắc đầu.

Họ đành phải đi theo sau, cùng bước ra vườn hoa. Vườn hoa bên ngoài căn nhà được thiết kế theo kiểu nửa mở, bãi cỏ kề sát với con đường, dưới ánh đèn đường, Thẩm Hề thấy rõ từng gương mặt trẻ tuổi. Trước đây ở Thượng Hải Phó Đồng Văn từng bị tấn công, bởi vậy trong lòng cô có sự sợ hãi với phong trào sinh viên. Nhưng may mắn thay sinh viên ở đây không hề có ý định bạo động, họ chỉ cử một sinh viên nữ trao đổi ngắn gọn với bộ trưởng.

Hình như cô sinh viên ấy cầm theo thứ gì đó, cô không nhìn rõ.

Cách đó không xa cảnh sát Pháp cũng đang nhìn chằm chằm.

"Chúng ta không cần thông báo cho lãnh sự quán thật sao?" Cô hỏi Phó Đồng Văn.

Anh không lên tiếng.

Sau khi cuộc trò chuyện ngắn ngủi kết thúc, bộ trưởng quay đầu, giẫm lên cỏ đi về phía Phó Đồng Văn và mọi người.

Đàm Khánh Hạng lập tức đẩy mọi người vào nhà, khóa cửa lại.

Bộ trưởng nhìn đám đông qua cửa kính, nhẹ nhàng cất tiếng: "Sinh viên đại diện đó giấu một cành hoa trong ống tay giả làm súng, uy hiếp tôi không được ký hiệp ước."

Phu nhân cười khổ.

"Khi cô bé ngắt hoa, tôi nhìn thấy." Bỗng bộ trưởng bật cười nhìn Phó Đồng Văn, "Bên ngoài trồng hoa gì thế?"

"Hoa hồng." Anh trả lời ông, giọng điệu cố làm ra vẻ hài hước, "Một khẩu súng thật lãng mạn."

Lãnh sự quán nhanh chóng sắp xếp chiếc xe khác đến đón khách khứa rời khỏi đây.

Khi xe rời đi, cô gái dùng bông hoa giả làm khẩu súng còn tuyên bố đầy hùng hồn mạnh mẽ: "Nếu ông ta dám ký, chúng ta sẽ lấy mạng của ông ta! Ông ta tuyệt đối không dám ký đâu!"

Trên đường, nhóm sinh viên du học Pháp sôi sục ý chí, vây xung quanh cô sinh viên đại diện ấy, vung tay hô lớn.

...

Đàm Khánh Hạng không có ý định nán lại xem cảnh tượng này, trở về phòng ăn trước, kéo đồ ăn chưa ăn xong đến trước mặt, ngồi xuống chậm rãi ăn. Bữa cơm tối nay khá đặc biệt, ban nãy anh ta sợ mình ở lại sẽ làm mọi người không tiện bàn chính sự nên mới không xuất hiện ở phòng ăn.

Nhưng đến hôm nay, cũng không có gì để nói.

Paris như ánh sáng lướt qua mặt nước, đây là thời đại đẹp nhất nước Pháp.

Các nhà nghệ thuật trên thế giới đều tề tựu tại đây, họp mặt trong quán cà phê, chia sẻ tác phẩm của mình trong quán rượu hay bên lề đường. Nhà hát Moulin Rouge đêm đêm nhạc ca, mô hình cối xoay gió màu đỏ, tháp Eiffel cao đến tận chân trời... một nhà văn đã trải qua thời đại bấy giờ, sau này khi miêu tả về Pháp, đã gọi Paris của ngày ấy là "một cuộc hội hè miên man"1.

Nhưng những thứ kia là huy hoàng thuộc về nước người ta.

Báo chí trong nước gọi Thượng Hải là "Paris của phương Đông", nói cho cùng cũng chỉ là cái áo mới của hoàng đế, thử hỏi ở Paris, chỗ nào có Tô giới, nơi cao cấp nào không cho phép người Pháp bước chân vào?

1Câu đầy đủ: "Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân thì dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn, bởi Paris là một cuộc hội hè miên man." Một câu trích trong tác phẩm A Moveable Feast (Hội hè miên man) của nhà văn Hemingway (1899- 1961)

Phó Đồng Văn đến bên Đàm Khánh Hạng, kéo ghế ngồi xuống.

Nửa tháng nay anh như người chờ hoa tàn.

Biết chắc kết cục cuối cùng, nhưng chưa đến ngày ký vẫn không muốn rời đi.

Rượu vang trắng trên bàn ăn được chuẩn bị cho phu nhân, hàu sống có mùi tanh khá nồng, dùng với rượu vang trắng thì rất hợp, anh cầm chai rượu cổ hẹp lên rót đầy cho Đàm Khánh Hạng theo kiểu của người Trung Quốc.

Sau đó anh định tự rót cho mình, Đàm Khánh Hạng bèn che miệng ly thủy tinh của anh lại: "Đã là người có gia đình rồi, cậu quan tâm đến tâm trạng của Thẩm Hề chút đi."

Phó Đồng Văn cười cười: "Tôi không uống, chỉ kính rượu thôi."

Anh kéo tay anh ta ra, rót đầy rượu vào ly mình.

Anh nâng ly lên, chạm nhẹ vào ly của Đàm Khánh Hạng rõ ràng không uống, nhưng ánh mắt lại như tiệc rượu tàn người đi hết: "Hôm nay là ngày đáng để kính rượu."

"Ly đầu tiên, phải kính Thẩm gia." Anh đổ cả ly rượu xuống đất, đăm chiêu nhìn Thẩm Hề qua ánh nến, "Nếu không có cha em, anh sẽ không đi trên con đường cách mạng."

Nhà họ Thẩm và Đàm Khánh Hạng không qua lại với nhau, anh ta chỉ nghe, không đổ rượu.

Phó Đồng Văn lại cầm chai rượu lên rót thêm ly nữa.

Ly chưa đầy chai rượu đã hết. Anh rệu rã chống một tay lên bàn với lấy chai rượu vang đỏ chưa ai uống, rót đầy ly.

"Ly thứ hai, kính Đồng Quyến." Anh nâng ly, "Là anh vô dụng, chú ấy đi lâu thế rồi mà không làm được chuyện gì nên hồn."

Chất lỏng đỏ dậm được anh tưới xuống đất.

Lần này, Đàm Khánh Hạng cũng kính một ly cùng anh.

Ly rỗng lại được rót đầy.

"Ly thứ ba này..." Cho ai đây?

Không phải không còn người kính, mà do người hy sinh quá nhiều.

"Khánh Hạng, cậu không trải qua Duy Tân, đó cũng là một đám nam nhi tốt." Phó Đồng Văn nói.

"Vung dao nhìn trời ta cười lớn, để lại gan hùng ở Côn Lôn.1" Đàm Khánh Hạng cười, "Đã ai nghe chưa?"

1Hán Việt: "Ngã tự hoành đao hướng thiên tiếu, Khứ lưu can đảm lưỡng Côn Lôn." Trích từ bài Ngục trung đề bích của nhà cách mạng Trung Quốc Đàm Tự Đồng (1865-1898)

"Trước đây có người khuyên tôi đừng tham gia Duy Tân." Phó Đồng Văn nhớ lại, "Người đó là một tâm phúc trong cung, ông tặng tôi một lời khuyên, chớ có tỉnh một mình."

Thật ra Trung Quốc không có người tỉnh một mình, chỉ có quần chúng đã bừng tỉnh từ lâu.

Ngày đất Trung Quốc bị chia năm xẻ bảy, khi đồng bào ngã xuống máu chảy dài, anh giật mình tỉnh ngộ, nhận ra đã có rất nhiều người đang đứng bên cạnh mình.

"Ly cuối cùng... kính người xưa." Phó Đồng Văn khẽ thốt lời cuối.

"Kính người xưa." Đàm Khánh Hạng nói theo.

Kính tất cả chí sĩ, những người xưa "thân con kiến mà vòi lay cây lớn, nực cười thay không biết lượng sức mình"... dốc lòng vực dậy Hoa Hạ chúng ta, lấy lại từng tấc đất của Tổ quốc.

Hai anh em không cùng một họ, nhưng giờ phút này cùng nâng ly, dùng tất cả số rượu còn lại tưới đẫm đất.

Một buổi kính rượu thật hoang đường, người ta rót rượu xuống đất bằng chén nhỏ, còn hai người họ lại dùng chiếc ly lớn... nước chảy lênh láng, xung quanh đều là rượu, đế giày của họ đều bị ướt, của cô cũng thế.

Thẩm Hề cúi đầu nhìn dòng nước dưới chân. Cô không muốn làm phiền họ, bèn cầm ly mình lên uống từng hớp rượu nhỏ. Tửu lượng của cô không cao, chỉ mới hai, ba hớp mà gò má đã nóng bừng bừng, mắt cũng đong đầy nước.

Kính xong ba ly rượu, Phó Đồng Văn về ghế ngồi, anh nhìn rượu vương đầy sàn nhà, lặng thinh hồi lâu.

Cho đến khi Thẩm Hề nhận ra có gì đó không ổn, đúng lúc anh cũng đưa tay với lấy ly nước. Khi Phó Đồng Văn uống, cô chợt trông thấy giọt nước lăn xuống gò má anh. Từ góc độ này, Đàm Khánh Hạng không nhìn thấy.

Đàm Khánh Hạng không nhận ra, Phó Đồng Văn đang uống nước cũng vờ như không biết, nếu không phải tận mắt nhìn, cô còn ngỡ rằng chỉ là ảo giác.

...

Cổ họng Thẩm Hề nghẹn ứ, một hơi uống cạn rượu trong ly.

Cô cố làm vẻ bình tĩnh, nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ: "Hình như đều đi hết cả rồi, những du học sinh ấy."

"Chỗ chúng ta không phải lãnh sự quán." Đàm Khánh Hạng cầm dĩa lên ăn hàu, "Muốn bao vây thì phải bao vây nơi đó. Có điều cũng chẳng có gì để bao với chả vây."

Tối hôm ấy, Phó Đồng Văn nói khá nhiều.

Sau đó, anh nổi tính thieesy gia, ôm máy hát trong thư phòng về phòng ngủ.

Anh cười: "Lên cơn nghiện kịch rồi, đừng hòng ai cản được."

Anh lại nói: "Mãn giang hồng vẫn là hay nhất."

Anh nói tiếp: "Rồi mai đây ta thu lại giang sơn cũ, về chầu cửa khuyết. Câu này tuyệt hay."

Thẩm Hề đun nước bưng vào phòng, giúp anh lau mặt, lau tay.

"Dạy em hát nhé?" Anh hỏi.

Thẩm Hề xua tay: "Em không có năng khiếu đâu."

"Giống hệt Đồng Quyến." Anh chế nhạo cô.

"Anh cứ cười đi, bọn em hát không hay mới làm nổi bật lên giọng hát hay của cậu ba chứ." Cô tán tụng anh, cốt làm anh vui.

Chiếc khăn nóng trên tay cô trùm lên mặt, anh "ưm" một tiếng đầy thỏa mãn, còn dài giọng giả đò hát câu kịch cho cô nghe: "Ngày càng biết phép tắc rồi đấy."

Cả hai cùng bật cười, Phó Đồng Văn được khuyên đi nghỉ ngơi.

Trong đêm nay, cơn đau tim ập đến hai lần.

Gắng gượng nở nụ cười không khó, khó là phải vượt qua bóng đen trong tim.

Chưa đến hai ngày, Phó Đồng Văn lại được đưa vào bệnh viện. Sau khi đến Pháp vào tháng Giêng, thời gian anh ở bệnh viện còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Bác sĩ người Pháp không nói "phiền muộn tích tụ trong lòng", nhưng cũng thường xuyên dặn dò người nhà cố gắng giữ cho bệnh nhân tâm trạng thoải mái. Có điều nói xong, ngay cả bác sĩ cũng cảm thấy mình thừa lời.

Hằng ngày báo chí đều nhắc đến hội nghị hòa bình ở Paris, cả nước Pháp đều biết một lần nữa Trung Quốc sắp phải mất thứ gì.

Phó Đồng Văn cũng hiểu mười mươi, quãng thời gian này anh đang bước qua Quỷ Môn Quan, để đề phòng bất trắc, anh gọi Chu Lễ Tuần đến.

Khi thấy Chu Lễ Tuần vào, Thẩm Hề lập tức nhìn thấu suy nghĩ của anh, khóe mắt đỏ hỏ không kịp che giấu. Phó Đồng Văn sợ Chu Lễ Tuần nhìn thấy lúc cô yếu đuối nhất, bèn xua tay ra ngoài: "Bao giờ gọi cậu mới được vào."

Chu Lễ Tuần cũng là cậu ấm khá nóng tính, nhưng hôm nay lại hiền lành đến lạ.

Bảo anh ta ra ngoài chờ, anh ta quay đầu đi luôn, không nói thừa một câu.

Phó Đồng Văn kéo tay Thẩm Hề, "Đang yên đang lành, lại làm sao vậy?"

"Anh gọi anh ta tới làm gì?" Thẩm Hề thở gấp gáp.

Anh thở dài: "Thông minh quá cũng không hay, anh thấy thiệt khi thông minh từ bé rồi."

Anh kiên nhẫn giải thích cho cô: "Kinh doanh lớn, tài sản phức tạp, đều phải bàn giao ổn thỏa từ sớm. Ví dụ như biệt thự, nhà ở khắp nơi trong nước, cả mỏ khoáng sản, tổ chức thương mại và công ty đều phải cần... thảo luận."

Nhưng thấy nước mắt cô đã đong đầy mí mắt, anh không dám nói thêm, đành phải tự kiểm điểm: "Là anh làm trễ nải em, một cô gái tốt đẹp nhường này mà phải lấy anh, sau này tái hôn cũng rắc rối."

"Phó Đồng Văn..." Cô gườm gườm nhìn anh.

Anh kề sát bên tai cô, thủ thỉ: "Đừng làm rộn nữa, đi gọi người ta vào nào."

Về lý trí, Thẩm Hề biết chuyện này rất cần thiết, dù sao gia sản của anh cũng phức tạp, chỉ có anh mới sắp xếp hợp lý được.

Nhưng về tình cảm, dẫu là ai đi chăng nữa cũng không thể chấp nhận nổi.

Sau khi Chu Lễ Tuần vào phòng bệnh, Thẩm Hề đóng cửa cho họ, một mình ngồi trên băng ghế dài trong hành lang, đầu óc trống rỗng. Cô nghĩ lát nữa lại vào trong kia, phải kiềm chế cảm xúc của mình, không được khóc nữa...

"Phó phu nhân." Bác sĩ điều trị chính cho Phó Đồng Văn ở bệnh viện đứng trước mặt cô, đi theo sau là một y tá biết nói tiếng Anh.

Thẩm Hề hấp tấp đứng dậy.

Bác sĩ điều trị chính đang nói gì đó, cô rất lo lắng, có lẽ liên quan đến bệnh tình của anh nên luôn nhìn chằm chằm vào y tá phiên dịch.

"Bác sĩ hỏi rằng, bà có nhớ vị giáo sư mà ông ấy đều cử cho bà không?"

"Tôi.. nhớ." Cô trả lời y tá bằng giọng mũi rất nặng, "Nhưng tôi không thành công, ngay cả thời gian cũng không hẹn được."

Bác sĩ điều trị chăm chú nghe y tá phiên dịch.

Nỗi thấp thỏm ngày càng lớn, Thẩm Hề cảm thấy nghẹt thở, chờ câu trả lời của bác sĩ.

Bác sĩ gật đầu, để y tá tiếp tục phiên dịch câu của mình.

Tốc độ nói của y tá rất nhanh, dùng tiếng Anh truyền đạt lại ý của bác sĩ cho cô: "Phó phu nhân, có tin tốt đây, mấy vị bác sĩ khoa Tim mạch giỏi nhất nước Pháp gọi điện cho chúng tôi, muốn thực hiện hội chẩn cho chồng bà."

Tin vui đến quá bất ngờ, như có ai kéo tấm màn đen kịt ra.

Ánh sáng chói chang làm cô không mở nổi mắt, chỉ muốn khóc thật thỏa thuê. Nước mắt không ngừng rơi xuống, hoàn toàn không thể kiềm chế.

Bạn đang đọc Mười Hai Năm Kịch Cố Nhân

Thông Tin Chương Truyện

  • Đăng bởi

    TruyenYY Pro

  • Phiên bản

  • Thời gian

    2y ago

  • Lượt đọc

    0

  • Đọc chương VIP load siêu nhanh trên ứng dụng dành riêng cho iOS và Android. Nhấn vào link sau để tải ngay nhé!