Cuộc đời bình đạm như nước ấy
Bừng cháy vì em
“Sinh mệnh bừng cháy vì em” —— New Pants
(1) Ban nhạc rock’n roll Trung Quốc thành lập năm 1996 và vẫn hoạt động sôi nổi cho đến thời điểm hiện tại (2020). Bài Sinh mệnh bừng cháy vì em là bài hát trong album cùng tên, cũng là album thứ 8 của ban nhạc phát hành năm 2006.
https://www.youtube.com/watch?v=wp3Fm1fwc64
Lần tiếp theo Tần Cửu lộ mặt trong nhà Phó Nhất Duy đã khiến thầy phải mắt tròn mắt dẹt ra nhìn. Cậu hớt mái tóc đầu đinh, lưng đeo cặp sách, tất mấy món trang sức kiểu punk đã gỡ sạch, mặc áo phông tay dài màu trắng và xỏ quần bò, mộc mạc hệt một cậu học sinh thực thụ.
Mới thấy mặt Phó Nhất Duy cậu đã lôi ra một tờ kế hoạch học tập, trên viết “Kế hoạch ôn thi đạt 350 điểm trong vòng hai tháng!” khiến Phó Nhất Duy nuốt ực ngụm latte suýt nghẹn.
Lần này Tần Cửu đã thôi hẳn trò “học chơi, chơi thật”. Ngày nào như ngày nấy Phó Nhất Duy tan làm về nhà luôn thấy cậu nằm bò trên bàn ngoáy bút như xẹt, điện thoại được vứt nằm im lìm trên bàn trà hoặc sô pha cách rất xa. Phó Nhất Duy gọi cậu đi ăn cơm, cậu bảo gọi đồ ăn ngoài. Phó Nhất Duy nói mình theo chủ nghĩa bảo vệ môi trường nên không bao giờ gọi đồ giao tới. Cậu vẫn không ngừng bút, miệng bảo đợi thêm tí nữa. Sau lần ấy Phó Nhất Duy vẫn giữ vững nguyên tắc không đổi, song nếu về đúng giờ sẽ tiện mua đồ ăn ngoài mang về, chưa từng lặp món.
Cứ hễ có thời gian, Phó Nhất Duy lại xem đề cậu làm hoặc giảng giải vài chỗ. Thầy cảm nhận rõ sự quyết tâm của Tần Cửu. Khi viết chữ lông tơ trên ngón tay cậu phơ phất theo quy luật, ngón tay có kiểu đẹp xương xẩu khiến Phó Nhất Duy say say. Thi thoảng Tần Cửu sẽ đi qua đi lại trong lúc học thuộc. Cậu đứng trước ô cửa sổ, ánh trăng len qua lớp kính soi tỏ đôi gò má, soi cả khúc cổ mảnh dài và trái cổ khêu gợi khiến Phó Nhất Duy manh nha ham muốn chiếm hữu. Mắt thầy trông Tần Cửu lom lom, tận khi cậu nhìn về mới bảo “Đừng nhìn tôi, tôi không khống chế được đâu.”
Họ vẫn luôn chia phòng ngủ.
Tình trạng tạm coi như tự nhốt mình trong nhà ấy, Tần Cửu giữ nó áng chừng hơn tháng trời. Mệt thì ra máy chạy bộ vận động mấy bước, chơi bóng quần với Phó Nhất Duy, còn đâu kể cả lúc trong bồn tắm cũng phải khư khư cuốn vở ôn thơ cổ. Nằm giữa kiên trì và mệt mỏi, cậu cảm nhận thấy một sự sung mãn và đủ đầy chưa từng có.
Phó Nhất Duy không lên lớp thì cũng viết văn, thi thoảng bay đi đâu đó cho mấy hội thảo. Dẫu bận tối mặt mày, thầy vẫn cố rút ít thời gian giúp Tần Cửu học tập và chuẩn bị bữa sáng. Đôi lần khi thấy bóng cậu nằm nhoài trên bàn hoặc gà gật chực đổ, chợt thầy sinh ảo giác như họ là đôi bạn đời đã bên nhau lâu lắm. Thầy muốn nó mãi luôn như thế.
Rồi một tuần trước kì thi, bỗng Tần Cửu đổ bệnh.
Đêm ấy cậu bắt đầu lên cơn sốt, trong cơn mê man nhắc mãi những câu mộng mị. Phó Nhất Duy nghe thấy, sờ trán Tần Cửu nóng trút mới hớt hải đưa cậu khi ấy đang mụ cả đầu tới bệnh viện truyền dịch.
Cơn sốt đã lùi, Tần Cửu lại trở nên nóng bẳn, cứ lải nhà lải nhải hệt các bà các cô tuổi mãn kinh, sợ cái mớ khó lắm mới nhét vào đầu được sẽ vì cơn sốt này mà bay biến hết.
Điệu bộ trẻ con của cậu làm Phó Nhất Duy buồn cười, bảo cứ coi đây là ngày nghỉ trước khi thi.
Kết quả mới nói xong, Phó Nhất Duy đã nhận một thông báo hội nghị, vừa khéo một tháng sau mới được về. Đưa Tần Cửu về nhà xong là thầy lao ngay vào thu dọn hành lý.
Tần Cửu dựa bên khung cửa, mắt mở trân nhìn thầy đầy tội nghiệp, hỏi: “Kì thi của em thì làm sao?”
Vuốt cái đầu đinh cũn cỡn của cậu, Phó Nhất Duy nói: “Tự mà làm lấy.”
Ý giận dỗi trong mắt đậm hơn, Tần Cửu vờ như bệnh chưa khỏi hẳn, bắn giọng thều thào: “Thầy không đi với em hả?”
Phó Nhất Duy cười cười, gỡ chiếc nhẫn đeo trên ngón út đưa cho cậu: “Tôi tặng hết vận may của mình cho cậu vậy.”
Chiếc nhẫn xinh xẻo nhường ấy mà chẳng đeo vừa được ngón út, Tần Cửu lại ngước ánh mắt tội nghiệp nhìn thầy.
“Thầy to quá đấy…”
Phó Nhất Duy lộ vẻ nghiền ngẫm kín đáo, con mắt có chùm sáng vụt lướt qua. Thầy vặn đầu Tần Cửu đang ngơ ngẩn sang, hôn lên trán cậu, giọng khe khẽ: “Chờ tin tốt lành của cậu.”
Tần Cửu đưa mắt tiễn thầy rời đi, đoạn gỡ sợi dây chuyền trên cổ xỏ chiếc nhẫn kia vào. Chiếc nhẫn sát bên miếng gảy đã bị mài xước, đẹp đẽ hơn rõ ràng. Cậu bóp siết cả hai thứ, cảm giác chúng đã tan vào một thể.
Cầu Cảng ngày tháng Sáu, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Tần Cửu xỏ mỗi cái áo phông Nike, biểu tượng nét móc hất lên đỏ tươi thêm cho cậu vẻ non nớt. Cậu tự bắt xe tới trường thi, đứng lạc lõng một mình vẫn cứ hút không ít người ghé mắt.
Suy cho cùng, một đứa bụi đời tay xăm trổ dẫu làm sao vẫn không dung nhập nổi với chốn này.
Tần Cửu tự chụp một tấm hình gửi cho Phó Nhất Duy. Nhưng tận khi vào phòng thi vẫn không thấy tin thầy nhắn lại.
Khi qua cửa kiểm tra, nói hết lời mà giáo viên vẫn không cho đeo dây chuyền, cậu chỉ nấn ná nó một lát rồi đành cất vào cặp.
Rất nhiều năm sau, Tần Cửu vẫn hoài hồi tưởng về kì thi chỉ một lần duy nhất này. Tiếng ve kêu râm ran, tiếng tô bút soàn soạt, tiếng bước chân của giám thị coi thi và cả tiếng tích tắc từ chiếc đồng hồ trên cổ tay ấy, tất cả chúng trở thành hồi ức tuyệt đẹp không thể thiếu trong sinh mệnh cậu.
Kì thi tuyển sinh đại học không phải bước ngoặt duy nhất. Nhưng nó là một ngã rẽ cho cậu lựa chọn xem thời tuổi trẻ của mình sẽ diễn ra trong môi trường nào, làm thay đổi tương lai tầm nhìn và giá trị của cậu. Trên thực tế, tính bấp bênh của tuổi trẻ ở chỗ nó phủ nhận cái đã có, và tình yêu tình bạn có thể thành thứ quá hạn bất cứ lúc nào. Hi vọng cả đời nằm ở tương lai, trên mỗi con đường ta đi tới.
Làm xong bài thi môn Anh văn, Tần Cửu đóng nắp bút. Xoay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, tàng cây bạch quả thân to dáng khỏe đong đưa theo cơn gió, lá xếp tầng rọi nắng lấp lóa, lại để bóng nắng lốm đốm len cửa kính ùa vào.
Trọn vẹn thế giới, tĩnh lặng và đẹp đẽ đến vậy.
Tần Cửu ra khỏi ngôi trường khi số đông học sinh đã rời đi. Đập vào mắt là mấy cô cậu nhận hoa của phụ huynh, có đứa xúc động bật khóc tại chỗ, một số khác túm tụm chụp ảnh kỉ niệm, hình ảnh một nhà ba miệng vui vẻ thuận hòa khiến cậu thấy cảm động lây.
Cậu mở điện thoại, đeo tai nghe, thong thả dạo bước khoan thai dọc con đường nhỏ, thầm tính tối đi ăn gì để tự khao bản thân.
Hiệu quả cách âm của tai nghe rất tốt, chỉ láng máng đâu đây tiếng kèn xe vẳng từ đằng sau. Nhưng cậu không quay đầu, chỉ tránh người về một bên đến khi nghe Phó Nhất Duy gọi tên.
Cậu ngoảnh nhìn, ngạc nhiên ngập trên nét mặt rồi chỉ chốc sau đã tan thành nụ cười.
“Lên xe.”
Tần Cửu cười khi mở cửa xe, mới đặt mông đã hỏi: “Sao thầy đã về rồi?”
Phó Nhất Duy quan sát kính chiếu hậu, nói: “Họp xong tranh thủ về luôn.”
Tay áo xắn vội vã, mắt kính quẳng đại một bên, túi đựng có chữ McDonald’s hàng ghế dưới, thêm cái cằm râu lởm chởm. Tần Cửu đủ sức nhận rõ thầy đã trở về rất vội, tim vì thế mà nóng bừng song hãy chưa chịu bỏ điệu cười nhăn nhở: “Sao không chuẩn bị hoa cho em…”
Phó Nhất Duy vứt cho cái lườm cháy mặt, tảng lờ.
“Xe tôi còn đậu trong trường, xe này là của Đường Tiếu Lễ. Chúng ta về đại học Cầu Cảng trước rồi hẵng đi ăn.”
Tần Cửu gật đầu. Thầy không hỏi cậu làm bài thế nào, tựa đây là bí mật chỉ có họ hiểu lòng không nói.
Xe chạy đến đại học Cầu Cảng. Phó Nhất Duy đi tìm Đường Tiếu Lễ, Tần Cửu đứng đợi ngoài hội trường báo cáo học thuật.
Hai hôm nay hội trường tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh, bao dụng cụ được chuyển tới chuyển đi hết lượt này đến lượt nọ. Tần Cửu đứng buồn chân buồn tay dưới gốc cây, bất chợt bóng Đại Bân lọt vào trong mắt. Ý trời run rủi Đại Bân cũng ngước đầu, ánh nhìn họ chạm vào nhau.
Tần Cửu chủ động đi tới trước, ngập ngừng, đoạn bảo: “Lâu quá không gặp rồi nhỉ…”
Đại Bân gật đầu có vẻ ngài ngại, mắt không chịu nhìn Tần Cửu, nhỏ giọng nói: “A Cửu, sao cậu ở đây?”
Thật khó để Tần Cửu giải thích rằng mình là bạn trai một giáo sư tại đại học Cầu Cảng. Và cậu lảng chủ đề đấy đi, “Tớ mới tham gia kì thi đại học…”
Đại Bân ngẩng phắt đầu, rõ là rất ngạc nhiên, nói: “A Cửu, cậu thi đại học rồi? Làm bài thế nào?”
Tần Cửu gãi đầu, đáp: “Chắc cũng tạm…”
Cả hai chìm trong im lặng. Quanh đây chỉ mỗi tiếng tạp âm từ việc chuyển dụng cụ gây ra.
Phó Nhất Duy với hai tay đút túi nhàn nhã đi tới, nhìn nhanh qua Đại Bân, hỏi: “Vị này là?”
“Tay trống của ban nhạc khi trước.”
Phó Nhất Duy gật gù, vươn tay.
Đại Bân sững người, hơi ngần ngại. Tay Phó Nhất Duy nhẵn mịn mảnh dài, chẳng bõ cho Đại Bân vì bốc vác mà chai sần kén bọng, thậm chí kẽ móng tay còn két cả bụi đen. Cái bắt tay sau hồi tranh đấu vẫn tồn tại tuy thật nhẹ.
Phó Nhất Duy thản nhiên giấu kín mọi cảm xúc, nói: “Tôi là bạn trai Tần Cửu, giảng viên đại học Cầu Cảng.”
Miệng Đại Bân chậm chạp ngoác rộng. Nói không ngoa, dám phải nhét vừa cả quả trứng gà.
Giờ thì Tần Cửu mới là người thấy ngại, ánh mắt vô thức hướng về Phó Nhất Duy.
Phó Nhất Duy cười với cậu, nụ cười pha ít trìu mến, nói: “Giờ cậu không còn việc gì rồi, hôm nào chúng ta đi ăn một bữa với thành viên ban nhạc nhé.”
Tần Cửu đã chìm nghỉm trong đôi mắt ấy, đầu gật gù như một phản xạ không ý thức.
Lịch sự chào tạm biệt Đại Bân, Phó Nhất Duy cho Tần Cửu một ánh mắt rồi quay gót đi thẳng.
Để lại Đại Bân với cái đầu vẫn rối nùi, phải khi anh bạn làm cùng lên tiếng gọi mới chậm chạp bừng tỉnh.
Phó Nhất Duy khăng khăng đòi đi siêu thị mua đồ về tự nấu, biến bữa tối thành bò bít tết đắt tiền, sa lát lạnh, bánh mì bơ sữa và rượu vang chát.
Ăn xong, cả hai ngồi trên thảm trải sàn chơi game quần vợt thực tế ảo. Tần Cửu lao về trước, ngã trên người Phó Nhất Duy. Phó Nhất Duy ôm ghì lấy cậu. Họ bắt đầu ôm và hôn nhau. Phải khi Tần Cửu đã đỏ mặt tía tai, Phó Nhất Duy mới cất giọng cồm cộm: “Cậu cố ý.”
Tần Cửu ngước đầu rướn lên hôn, mắt nheo nheo lập lòe ánh xảo quyệt, thở dồn: “Thầy đoán…”
Phó Nhất Duy đã hôn trước.
Gợn nước ngoài xa Bán Đảo Loan đập dội đá ngầm, ngỡ mưa bụi xối trên mặt cát. Sóng vỗ rì rào lan tận căn phòng ngủ, chiếc giường ngỡ cánh thuyền con lênh đênh. Nương vào nhau họ chìm nổi trong cơn sóng lấp lóa.
Đêm đen thêm đậm màu, hư vô thêm rỗng sạch, và họ thêm xích về gần nhau.
Không một lời thốt ra, họ chỉ tận hưởng cái tĩnh mịch ngọt ngào. Cần nhau, có được nhau. Họ đến với thế giới cô độc này, hóa thân hai cá thể cô độc, chỉ khi kề thật gần mới đủ sức xóa tan bao quạnh quẽ. Chỉ khi đối mặt không gian và thời gian mênh mông ngút cả đầu cùng, mới không bị quạnh quẽ nuốt chửng, bị sóng biển nhấn chìm.
Tần Cửu nhắm mắt. Phó Nhất Duy mãi nhìn cậu, khát vọng thời gian ngừng trôi.
Mượn cớ đã hoàn thành kì thi đại học, Tần Cửu hô hào thành viên ban nhạc cùng đi ăn một bữa. Thật lòng cậu đã hơi lo lo. Nhưng tất cả đều rất nể mặt mà nhắn lại câu đồng ý.
Thời gian và địa điểm đã được quyết định. Tần Cửu vẫn ngập trong lo lắng. Cậu không rõ lý do vì sao mình không dám đối mặt với họ. Phó Nhất Duy đang nằm đọc sách, đạp bàn chân gọi cậu giật tỉnh.
Tần Cửu biết rằng lần gặp mặt này, có lẽ can hệ cả tới số phận ban nhạc ngày sau.
Khi Tần Cửu đến cùng Phó Nhất Duy, cả hội đã đông đủ. Cậu lần lượt giới thiệu bé Tiên, Đại Bân, Xuân già, và, cũng gọi cả dì tới.
Buổi tụ hội mới đầu quả thật khá lúng túng. Phó Nhất Duy điềm tĩnh lạ lùng, lôi quà ra bảo: “Lần đầu gặp mặt, có chút lòng thành.”
Là một bộ tai nghe headphone, dòng nhãn hiệu cao cấp được dùng nhiều, giá không hề rẻ. Đại Bân và Xuân già nhìn nhau, bé Tiên đọc bao bì, đều biết thứ này đã quá đủ sức nặng.
Món họ ăn là lẩu, một người một nồi nhỏ riêng. Địa điểm do Phó Nhất Duy chọn nên rất lịch sự. Thịt rất mềm, hải sản rất tươi, rau cũng non xanh mướt mắt.
Tần Cửu mừng thầm vì đã mời cả dì đến, nhờ đó không khí trên bàn ăn được xoa dịu.
Quả không phụ kì vọng, vừa gắp thịt bỏ vào nồi dì vẫn không quên nhắc mãi chuyện nhà chuyện cửa. Công việc Đại Bân hiện vào giai đoạn thuận lợi, đang tìm hiểu bạn gái; con trai Xuân già sẽ vào mẫu giáo trong năm nay; bé Tiên cũng tham gia kì thi đại học trong nước, thảy đã chuẩn bị xong xuôi, có thể đi Mỹ bất cứ lúc nào…
Dì lại hỏi tới Phó Nhất Duy: “Cậu Duy này, cám ơn cậu đã giúp bé Cửu ôn tập. Lúc nó nói sẽ tham gia kì thi đại học tôi đã sợ giật cả mình. À mà, độ này cậu đang bận gì vậy?”
Phó Nhất Duy nhẹ nhàng đặt gọn đôi đũa, đáp: “Đang dịch một danh tác học thuật của Pháp.”
Dì gật gù, trông chừng nửa hiểu nửa không.
Bữa ăn diễn ra trong yên ắng. Không một ai nhắc chuyện ban nhạc. Trong không khí chẳng có gì ngoài tiếng nhai.
Thêm một lúc nữa, Phó Nhất Duy chủ động dừng tay, hỏi: “Quý cô Tiên Nhi đây định đi Berkeley à?”
Lạ lẫm trước việc được điểm danh bằng xưng hô trang trọng cỡ này, bé Tiên nhìn Phó Nhất Duy, đáp: “Học viện âm nhạc Juliard.”
Phó Nhất Duy gật gù: “Rất nhiều bạn bè tôi đều ở New York, nếu cần giúp gì xin cứ nói… Phải rồi, cô học chuyên ngành gì?”
“Piano.”
Phó Nhất Duy nhướn mày: “Nhạc cổ điển à… Tôi thích nhất là Robert Schumann.”
Mắt bé Tiên thoắt bừng lên, nói: “Em cũng thích ông ấy.”
“Đàn ông theo chủ nghĩa lãng mạn, hiểu biết văn học cũng rất cao. Nhưng câu chuyện cây dương cầm và ngón tay ông đã kể lại làm người nghe thổn thức.”
Im lặng lại bọc kín cả bàn. Đề tài chung giữa bé Tiên và Phó Nhất Duy không gợi được hưởng ứng từ một ai.
Một lúc nữa trôi qua, Phó Nhất Duy nói: “Được tới ngôi trường tuyệt như thế để theo đuổi âm nhạc mình thích, thật sự rất cừ.”
Bé Tiên ngước mắt, giọng đều đặn: “Không phải em muốn đi, là bố ép em đi. Em muốn ở lại trong nước chơi nhạc hơn.”
Phó Nhất Duy nhấp cốc rượu, lẳng lặng nhìn bé Tiên.
“Hồi học cấp hai, tôi mê mẩn trong nghệ thuật ghi hình bằng băng video (video art), đã muốn thành đạo diễn, định sang Mỹ để theo học luôn từ cấp ba rồi thi vào trường nghệ thuật thị giác ở New York (SVA), nơi được coi là học viện nghệ thuật hàng đầu đất Mỹ. Nhưng bố tôi không đồng ý. Giai đoạn ấy tôi đang ở đúng tuổi nổi loạn, chỉ muốn phản kháng, không lay chuyển được bố nên phải về cấp ba Cầu Cảng 1.”
Phó Nhất Duy dần gợi mở câu chuyện của mình, dẫn dắt tất cả im lặng dỏng tai nghe.
“Nghệ thuật không phân ngả, hồi ấy tôi còn mê mẩn nhạc rock’n roll. Rock’n roll là trò nổi loạn của ý thức, là cuộc cách mạng của tự do, kể cả tính trẻ con chôn giấu trong nó cũng thổ lộ sự chân thành. Kết thúc kì thi vào cấp ba, ngày qua ngày tôi chỉ biết xem điện ảnh và đàn ghi-ta, thành lập một ban nhạc tên “Con chó theo chủ nghĩa lãng mạn”.”
Phó Nhất Duy nhấp một ngụm rượu. Tần Cửu mãi nhìn thầy. Cậu chưa từng nghe thầy kể những chuyện ấy.
“Do thẩm mỹ âm nhạc của tôi có bất đồng với ca chính mà ban nhạc đã giải tán. Cùng lúc tuổi tác tăng dần, triết học là cội rễ của thảy mọi phim ảnh, chữ viết và âm nhạc. Đó là lý do tôi đã đọc rất nhiều sách triết học.”
“Ai mà ngờ nổi chứ. Vì thích Sartre và chạy trốn khỏi bố mà cuối cùng chọn đi Pháp học triết học. Rồi đến cùng thế mà lại thành một ông thầy dạy triết giống bố.”
Căn phòng dứt mọi âm tiếng, mọi, chỉ trừ tiếng Phó Nhất Duy độc thoại.
“Có cơ man người hệt như Sisyphus vậy. Cực nhọc lăn đá lên tới đỉnh núi rồi nó sẽ tự lăn xuống, lại phải lăn nó trở lên, cứ thế tuần hoàn lặp lại ngày như ngày, năm như năm. Tôi có thể nói rằng, tôi cũng hệt như thế.”
Phó Nhất Duy nhìn họ. Tất cả nhìn lại thầy bằng con mắt im lìm.
“Nhưng lý tưởng và hiện thực không bao giờ là lựa chọn riêng rẽ. Nghiên cứu và cái tôi từng thích, hoặc phim ảnh hoặc âm nhạc, tôi luôn dung hòa chúng vào một. Tôi nghĩ đây cũng là một việc vạn hạnh trong đời.”
Phó Nhất Duy nâng cốc tỏ ý nhận lỗi, nói: “Ngại thật, nói nhiều rồi…” Đoạn nuốt ực một ngụm rượu.
“Tôi cảm thấy thầy Phó nói rất đúng!” Đại Bân dập đôi đũa xuống bàn cái cách làm Phó Nhất Duy phát sặc.
“Xin lỗi, là tại tôi…” Nhưng cậu ta nhanh chóng trở về vẻ xấu hổ mới đầu, nói: “Công việc chỉ là công việc! Âm nhạc chỉ là âm nhạc! Trên đời đâu ra chuyện tốt thế, phải kết hợp cả hai vào một!” Chợt liếc Tần Cửu, vét sạch can đảm còn dư: “Tớ cảm thấy, ban nhạc của chúng ta hồi trước, tốt vậy cơ mà, sao phải giải tán cơ chứ?”
Tần Cửu nhìn Phó Nhất Duy, lại nhìn Đại Bân đã tía tai đỏ mặt. Bỗng không biết nên nói gì.
“A Cửu…” Xuân già cũng lên tiếng, “Rời ban nhạc rồi anh mới nhận rõ, ban nhạc không phải gánh nặng, mà là liều thuốc cân bằng cuộc sống.”
Tần Cửu nhìn anh thật lâu.
“Nếu chú vẫn muốn tái dựng “Bạn lữ hành số 2”, đừng quên gọi anh nhé.”
Tần Cửu đã thấy đốm sáng tỏa từ con mắt mảnh dẻ của anh, chân thành và bỏng cháy.
Cậu biết, một số thứ đã trở về.
Cậu hướng mắt về bé Tiên. Bé Tiên cũng đang nhìn cậu. Nở nụ cười tỏa lan hơi ấm, cô nói: “Anh Cửu, kiếm được một “bạn lữ hành” thế này, sướng nhất anh rồi đấy.”
Một lúc sau, cô bé buông tiếng thật nhẹ: “Đúng là em không thích heavy metal.”
Tần Cửu cười, nhẹ thoảng như mây, hơi thở trẻ trung tràn ứa trên gương mặt.
Dì nâng cốc, hô hào mọi người chạm ly, mới bảo: “Chúc mừng mấy đứa! Nhìn đi, mọi việc rồi sẽ ngày càng tốt lên! Sau này mấy đứa phất rồi, nhớ phải quảng cáo cho Space Oddity của bà dì này đấy nhé!”
Tất cả nhổm người cụng ly trong tiếng cười vui vẻ.
Phó Nhất Duy chuyển mắt, thấy nụ cười trong sạch của Tần Cửu.
Thầy thích nỗi băn khoăn dè chừng của cậu. Dẫu mù mờ và khờ khạo trước một số sự việc, đó lại là biểu hiện cho sự ngây thơ và chân thành tối đa. Niên thiếu xốc nổi, lại không một mảnh nhỏ bị thói tục xâm nhiễm. Như chỉ mới dấn bước vào thế giới này với độc một quả tim son đỏ chưa từng được gọt đẽo.
Thầy nhìn thấy chính mình, cũng thấy cả tương lai.