Chương 292: [Dịch] Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Đồng tử hộ thân

Phiên bản dịch 9171 chữ

“Này, ông làm cái gì đấy?” Trương Phong hét toáng lên.

Trời thần, cái kim dài ngoằng thế kia mà đâm vào sau tai thì có mà chết chứ sống làm sao nổi?!

“Yên tâm đi!” Văn Trạch Tài nhàn nhạt nói rồi lấy ra một tờ giấy hoàng cốt tương, bọc vào phần chân kim dư ra giống như hôm qua.

Nhưng hôm nay ánh lửa đỏ rực hơn hẳn, cây kim sau khi rút ra cũng chuyển màu đỏ đậm.

Tần Dũng nhanh nhẹn đưa chén nước hôm qua lại so sánh. Quả nhiên, cây kim cũ đã trở về màu sắc nguyên bản.

Lần này, Văn Trạch Tài không thả kim vào chén nước mà kêu Tần Dũng quẹt diêm đốt.

Đối với yêu cầu của Văn Trạch Tài, Tần Dũng không có bất luận hoài nghi gì, chỉ răm rắp làm theo.

Trong khi ấy, ba người nhà Trương gia đều thầm nghĩ, hoang đường, quá hoang đường, kim loại thì làm sao mà cháy được!

Rất tiếc, đã khiến bọn họ phải thất vọng rồi. Ngay khi Tần Dũng đưa que diêm lại gần, cây kim lập tức cháy rụi thành than.

Văn Trạch Tài với lấy tờ giấy hứng tàn tro rồi gói kỹ lại. Kế đó, anh vớt cây kim ngày hôm qua ra khỏi chén nước, nhét xuống dưới gối bà Trương rồi nói:

“Đỡ bà cụ nằm xuống đi, cẩn thận một chút.”

Lần này không cần Tần Dũng động tay, anh ba Trương đã chủ động tiến lên nhận nhiệm vụ.

Cơ hồ lưng vừa đặt xuống giường là bà Trương nhắm mắt ngủ thiếp đi. Đám con cháu xúm xít vây xung quanh mép giường.

Chưa đầy năm phút sau, bà đột ngột mở bừng mắt. Văn Trạch Tài lập tức nhào tới, nhanh chóng chế trụ hàm dưới. Nhìn hai tròng mắt bà đỏ ngầu, đang long lên sòng sọc, anh quát lớn ra lệnh cho Trương Phong: “Cắt đầu ngón tay, nặn hai giọt máu nhỏ vào mắt bà nội, nhanh lên!”

Nhỏ máu vào mắt?

Trương Phong lùi ra sau, lắc đầu cự tuyệt theo bản năng. Anh ba Trương sốt ruột, một bên với lấy cây kim châm, một bên bắt lấy tay thằng con, mạnh mẽ đâm một nhát rồi kéo xềnh xệch nó đến bên giường, chuẩn xác nhỏ hai giọt máu vào hai bên mắt mẹ.

“Cha!” Trương Phong hét toáng lên, vùng vằng giật tay ra.

Nhưng anh ba Trương chẳng quan tâm vì đang bận quan sát sự thay đổi của mẹ. Anh kinh hỷ hô vang: “Mau…mau xem này…”

Sắc đỏ kinh dị rút dần, trả lại mầu sắc nguyên bản cho đôi mắt bà Trương.

Văn Trạch Tài cầm chiếc lục lạc nhỏ, lắc qua lắc lại xung quanh giường. Theo âm thanh leng keng leng keng, bà Trương từ từ khép mi.

Nhưng khi Văn Trạch Tài vừa bước tới đầu giường thì chiếc lục lạc bất ngờ vỡ làm đôi.

Là nó tự vỡ, Văn đại sư không hề có bất cứ tác động nào. Điều này, Trương Phong chính mắt nhìn thấy.

“Đại sư!”

Thấy Văn Trạch Tài nhíu mày, Tần Dũng lo lắng chạy tới bên cạnh, sắn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ.

Trong khi ấy, bà Trương nằm trên giường bắt đầu thở mạnh, khoé miệng gợn lên để lộ nụ cười hết sức quỷ dị.

Trương Phong sợ hãi bụm chặt miệng, nụ cười này quá ghê rợn, cậu chưa từng thấy bà cười như vậy bao giờ, đây… là ai???

Văn Trạch Tài đưa chiếc lục lạc vỡ cho Tần Dũng rồi vươn tay lấy bọc giấy và cây kim vừa đặt dưới gối bà cụ. Nhưng chưa kịp rút ra thì tất cả đã hoá thành tro tàn, rơi rụng lả tả.

Trương Phong phát hiện, càng lúc nụ cười của bà càng thêm sâu, chứng tỏ trong lòng đang rất cao hứng.

Nhưng rốt cuộc cao hứng vì cái gì?

Chẳng lẽ là vì những món đồ kia không đốt mà tự cháy rụi?!

Văn Trạch Tài khe khẽ thở dài, bà cụ quá cố chấp, không chịu buông tha cho chính mình!

“Đi ra ngoài nói chuyện đi.”

Tất cả mọi người lật đật di chuyển ra phòng khách. Tần Dũng ngồi bên cạnh Văn Trạch Tài, phía đối diện là vợ chồng anh ba Trương với vẻ mặt hết sức căng thẳng cùng lo lắng.

Còn Trương Phong thì đứng ở cửa phòng bà, cả người suy sụp, đầu cúi gằm không biết đang suy nghĩ cái gì.

Vẫn là chị ba Trương bình tĩnh nhất, chị đại diện hỏi chuyện: “Văn đại sư, rốt cuộc mẹ chồng tôi bị làm sao? Còn có nhỏ máu vào mắt, cây kim dưới gối và chiếc lục lạc bị vỡ, tất cả những chuyện này là thế nào vậy đại sư?”


Thật sự chị nghĩ không thông, nếu không phải quỷ nhập ma ám thì tại sao một người đang yên đang lành tự dưng biến đổi thành người khác và liên tiếp xảy ra quá nhiều chuyện quái dị mà trước nay chị chưa từng nhìn thấy cũng chưa từng nghe kể qua.

Văn Trạch Tài từ tốn giải thích: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Do chúng là bộ phận tiếp nhận ánh sáng đầu tiên của hệ thống thị giác. Những thay đổi cảm xúc nhỏ xung quanh mắt ảnh hưởng bởi cái chúng ta nhìn thấy và điều này truyền đạt cho người khác về những gì chúng ta đang nghĩ và cảm nhận. Cho nên khi nhìn thấy Trương Phong, bà cụ rất đỗi vui mừng vì bà thực sự yêu thương và cưng chiều nó. Cũng nhờ vậy máu của Trương Phong mới có thể kích phát phần cảm xúc đang bị che mờ, đó chính là con người ôn nhu hiền thục mà mọi người vẫn quen thuộc trước đây. Còn cây kim dính máu bà cụ được đặt ở dưới gối, có tác dụng kích thích ký ức. Lục lạc đánh thức trí óc. Nhưng rất tiếc, vẫn không thể kéo con người trước đây quay về!”

Nói đến cùng thì là do bà Trương từ chối quay về vì không muốn đối mặt với phiên bản xấu xí, đáng ghét này. Bà biết, mình đã không thể kìm nén cảm xúc và áp chế những tính xấu của mình nữa rồi. Bản chất thô tục, đê tiện, ghen ghét, đa nghi đã xâm chiếm và nhấn chìm bà.

Bao năm nay, bà luôn cho rằng con trai và cháu nội đã phản bội mình. Trong mắt bà, con trai chỉ giả bộ hiếu thuận chứ thực chất nó thương vợ nó hơn. Bà không cam lòng và cũng không muốn tin đứa con trai mà mình cưng chiều, yêu thương nhất lại không đặt mình lên vị trí đầu tiên.

Giờ đây đã phát tiết ra rồi, đã bung bét hết cả rồi, dù có tỉnh táo lại thì bà cũng chẳng còn mặt mũi đối diện với con trai và con dâu. Vậy thì cứ buông xuôi, thả trôi cảm xúc đi, cho nó muốn tới đâu thì tới!

Đây là sự lựa chọn của bà, không can hệ tới vật chất kia. Chính những ức chế trong lòng bà đã cổ vũ nó, khiến cho nó ngày một lớn mạnh. Và rồi nó quay ngược lại khống chế bà, làm cho bà chán ghét tất cả mọi người xung quanh và chán ghét ngay chính bản thân mình.

“Thế giờ phải làm sao?” Anh ba Trương hoang mang tột cùng.

Không thể trở về tức là mẹ lại tiếp tục như mấy hôm nay, đêm không ngủ ngày chửi liên mồm à? Nếu thế thì sức nào chịu nổi, chẳng mấy mà bà quỵ mất!

Trầm ngâm suy nghĩ một hồi, Văn Trạch Tài liền nói: “Mời bác tư anh tới đây đi. Tôi đoán trong nhà ông ấy có một pho tượng đồng tử. Pho tượng đó được làm theo dáng vẻ mẹ anh. Có thể khi còn nhỏ bà ấy khó nuôi nên phải thỉnh đồng tử bảo hộ thân thể.”

“Đồng tử hộ thân?” Anh ba Trương mờ mịt chả hiểu gì.

Thấy cha không bắt kịp tiết tấu, Trương Phong chủ động tiến lên: “Đại khái đồng tử hộ thân sẽ trông như thế nào?”

Văn Trạch Tài miêu tả: “Tượng có thể được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau nhưng cách thức thì đều là điêu khắc. Giàu có dùng ngọc, bần hàn thì dùng gỗ. Nam đồng tử khoác vải màu lam, nữ đồng tử khoác vải màu đỏ.”

Một vài hình ảnh xưa cũ ở nhà ông tư chợt loé lên trong đầu Trương Phong, cậu há miệng thở dốc: “Vậy…có cần phải thờ phụng không?”

“Đương nhiên cần!” Văn Trạch Tài gật đầu.

Trương Phong: “Nếu cháu nhớ không lầm thì ở nhà ông tư có dựng một chiếc bàn thờ nhỏ, bên trên đặt hai con búp bê. Nhưng hình như lâu rồi không ai đụng tới nên bụi bặm phủ kín. Vả lại tại mấy năm trước nhà nước tuyên truyền bài trừ mê tín dị đoan nên ông tư mới không thờ cúng nữa chứ lúc cháu còn nhỏ cháu đã từng thấy ông tư đặt bát cơm trước hai con búp bê ấy.”

Tại sao Trương Phong lại khắc sâu ký ức ấy là bởi vì khi đó quá nghèo đói, cơm ăn không đủ no nhưng ông tư vẫn dành ra một bát cơm trắng dâng lên. Mặc dù mâm cúng rất đơn giản, không hề có thức ăn được bài trí đẹp mắt nhưng vào thời bấy giờ một bát cơm trắng đã là xa xỉ phẩm rồi!

Đến đây thì có thể khẳng định được rồi, Trương Phong vừa kích động vừa nôn nóng: “Cha, con đảm bảo mình không nhớ lầm đâu. Con đi đây!”

Miệng nói tay xỏ giày, bộ dáng vội vàng cuống quýt. Nhưng anh ba Trương đã kịp thời ngăn lại: “Từ từ đã nào, con chỉ là đứa con nít, làm sao ông tư đồng ý giao một vật quan trọng như thế cho con.”

Chị ba Trương cũng lên tiếng: “Cha con nói đúng đó Phong Phong, một món đồ được cất giữ nhiều năm chắc chắn ông tư sẽ không dễ dàng để người khác tuỳ tiện mang đi. Nói không chừng con vừa mở miệng đã bị đuổi ra khỏi cổng ấy chứ!”

Tính tình ông tư ra làm sao, cả họ đều biết. Thằng Phong mà tới đó mượn bảo vật đảm bảo sẽ bị tống cổ về ngay.

Cuối cùng, trọng trách này được giao cho anh ba Trương.

Anh ba không nói hai lời, lập tức khởi hành tới nhà ngoại Tống gia. Bác tư Tống năm nay đã bảy mươi tuổi, lớn hơn bà Trương năm tuổi.

Lúc này, ông Tống đang ngồi trên chiếc ghế mây, nheo mắt nhìn đám chắt chạy nhảy nô đùa dưới sân. Lâu lâu ông lại nhắc nhở mấy đứa cẩn thận, không được chạy nhanh kẻo ngã.

“Cha, thằng ba nhà cô út tới.”

Anh năm Tống vừa mở cổng vừa la lớn.

Ông Tống buông điếu thuốc lá sợi, nâng đôi mắt vẩn đục lên, nhíu mày hỏi: “Làm gì mà gấp gáp thế, đã xảy ra chuyện gì?”

Về tình hình của đứa em gái, đám hậu bối đều giấu nhẹm đi nên ông không nắm được. Nhưng không có nghĩa là ông không biết gì. Ngay từ nhỏ ông đã nhìn ra vấn đề rồi. Tuy rằng hai anh em không thuận, ông giận nó nhưng vẫn rất quan tâm. Nếu đám nhỏ quyết tâm giấu chứng tỏ chuyện không quá nghiêm trọng nên ông cũng không gặng hỏi tới cùng.

Nhưng nay thấy thằng cháu hộc tốc lao sang, mặt mũi phờ phạc vì lo lắng, tim ông Tống bỗng đập hẫng một nhịp. Anh hốt hoảng lắp bắp: “Không…không phải mẹ cháu đã…”

Bạn đang đọc [Dịch] Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư của Tuý Cai Ngoạn Tử

Thông Tin Chương Truyện

  • Đăng bởi

    TruyenYY Pro

  • Phiên bản

    dịch

  • Thời gian

    1y ago

  • Lượt đọc

    102

  • Đọc chương VIP load siêu nhanh trên ứng dụng dành riêng cho iOS và Android. Nhấn vào link sau để tải ngay nhé!