Chương 34: [Dịch] Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Truyền thuyết hắc hồ

Phiên bản dịch 10421 chữ

Mắt thấy mùa màng đã thu hoạch xong, công việc đồng áng đã hòm hòm, thế nên Văn Trạch Tài tính mở lời nhờ anh cả và cha vợ hỗ trợ lợp lại cái mái nhà kẻo thu đông giá rét sắp kéo tới nơi rồi. Vậy là sau khi tan sở, anh không đi thẳng về nhà ngay mà rẽ vào Điền gia trước.

Hôm nay nhân dịp đúng ngày lãnh lương, chả biết quản lý Vương kiếm đâu được hai phiếu đường đưa cho anh. Dĩ nhiên, Văn Trạch Tài không khách khí mà tươi cười cảm ơn ngay. Thời buổi này không gì quý hơn tem phiếu mà lại.

Có hai phiếu đường, Văn Trạch Tài liền ghé cung tiêu xã mua luôn nửa ký đường trắng với nửa ký đường đỏ. Tiện thể anh xuất tiền túi mua thêm một ký thịt mỡ nữa.

Treo lủng lẳng đầy hai bên ghi đông xe, Văn Trạch Tài đạp thẳng về Điền gia.

Nhìn túi to túi nhỏ nào đường, nào thịt, thoạt đầu cả ông Điền lẫn bà Điền đều mừng rỡ hoan hỉ nhưng rồi sau đó lại bắt đầu cảm thấy ruột gan đau thắt vì xót của. Thời gian gần đâu cậu con rể thay đổi như nào, ông bà đều nhìn ra và ghi nhận trong lòng. Thế nhưng mua cùng lúc lắm đồ như này chắc tốn kém lắm đây, haizz, cái thằng này thiệt tình…

Bà Điền nhẹ giọng ướm lời: “Bộ hôm nay con được phát lương hả?”

Văn Trạch Tài mỉm cười gật đầu: “Vâng, nay con lãnh lương, hơn nữa còn được anh quản lý cho thêm hai phiếu đường. Chợt nhớ hôm bữa mẹ bảo mỗi khi khách tới chơi trong nhà chẳng có gì để tiếp đãi nên tiện có phiếu con rẽ qua cung tiêu xã mua luôn cân đường. Đây, mẹ giữ lên đi để thỉnh thoảng dùng tiếp khách.”

“Ôi trời, nhà mình cũng làm gì lắm khách vậy đâu.” Tuy lời nói thì khách sáo như vậy chứ nụ cười đã kéo từ khoé miệng lên tận đuôi mắt bà Điền rồi!

Văn Trạch Tài dứt khoát đặt toàn bộ vào tay mẹ vợ: “Mấy ngày nữa sẽ có cán bộ từ trên trấn xuống, ít nhiều gì nhà ta cũng phải có chén nước đường cho lịch sự chứ ạ. Mà kể cả không có khách thì cứ để đây cho cha mẹ với anh em Đại béo, Nhị béo uống.”

Nhìn thấy Văn Trạch Tài loay hoay tính gỡ túi thịt ra khỏi xe, ông Điền lập tức ngăn cản: “Ấy, cái đó mang về cho mẹ con nó ăn đi.”

Văn Trạch Tài cười xoà, trực tiếp đưa cả cho mẹ vợ rồi mới quay lại trình bày dự định: “Cha, mẹ, căn nhà của chúng con đã đến lúc phải tu sửa lại rồi, mà ngặt nỗi con còn bận việc trên trấn không phụ giúp gì được. Vả lại trong khoảng thời gian sửa chữa, con muốn gửi mẹ con Tú Phương sang đây cho đỡ bụi bặm thế nên chắc phải phiền mẹ cơm nước cho mẹ con cô ấy mấy ngày giúp con.”

Vừa nghe con gái và cháu ngoại sẽ sang đây ăn cơm, bà Điền vui vẻ đón lấy túi thịt ngay. Âm thầm ước lượng một chút, ồ cũng nặng phết đấy, nhắm chừng chỗ này phải cả ký chứ không ít đâu. Thế này nêm nếm chút gia vị mằn mặn là có thể xào dư hai đĩa, còn nếu khéo léo thái mỏng chút là kiểu gì mỗi người cũng được hơn hai gắp. Mới tưởng tượng thôi mà bà Điền đã cười tới độ không khép được miệng.

Vừa thoáng liếc qua là ông Điền biết tỏng bà bạn già đang nghĩ cái gì trong đầu. Vốn dĩ ông định từ chối nhưng Trạch Tài đã nói sẽ để mẹ con Tú Phương sang đây ăn cùng thì chắc nó đã có sắp xếp cả rồi. Thôi thì, cứ làm theo như vậy đi!

Trước khi Văn Trạch Tài quay xe về, bà Điền liền dặn với theo: “Này, bữa sáng với bữa tối con cũng sang đây ăn luôn thể nhá, cứ để mẹ nấu luôn cho.”

Văn Trạch Tài tươi cười đồng ý ngay, sau đó nhấn bàn đạp hướng thẳng về nhà mình.

Chưa ra khỏi khúc cua thì bắt gặp Điền Kiến Quốc đi làm về. Hai anh em dừng lại chào hỏi đôi câu rồi tạm biệt ai về nhà nấy.

Lúc Điền Kiến Quốc vừa bước vào sân, Ngô Mai đã đứng chờ sẵn từ bao giờ, rối rít vẫy lấy vẫy để.

Anh mỉm cười bước đến bên cạnh, tuy nhiên chưa kịp hỏi có chuyện gì thì chị vợ đã liến thoắng căn dặn: “Em bảo, dượng út hôm nay hào phóng lắm, mới xách sang đây nào đường trắng, đường đỏ rồi còn cả thịt nữa. Ngày mai anh qua đó hỗ trợ nhớ tận tâm chút nha.”

Điền Kiến Quốc cười cười sờ cái bụng đã nhô cao của vợ: “Anh biết rồi.”

Với lại chuyện này kể cả không có thịt, không có đường thì anh vẫn sẽ giúp nhiệt tình mà.

Nhờ được anh cả và cha vợ giúp đỡ, Văn Trạch Tài chẳng phải lo lắng gì, sáng sáng anh chở vợ và con gái sang Điền gia ăn ké rồi thong dong đạp xe đi làm, buổi tối lại nhàn nhã đạp thẳng về Điền gia ăn tối. Xong đâu đó, vợ chồng con cái mới quay về nhà mình tắm rửa nghỉ ngơi.

Tất nhiên Văn Trạch Tài không tới ăn không. Ngày nào anh cũng xách theo chút đồ, hôm thì bó rau, hôm thì tí thịt. Mà tất nhiên thức ăn trên trấn thì luôn ngon hơn dưới thôn, thế nên hai cái thằng nhóc Đại béo và Nhị béo cứ xoen xoét một câu dượng út, hai câu dượng út ngọt xớt.

Cuối cùng sau hai ngày, căn nhà của anh cũng đã được tu chỉnh xong xuôi. Mặc dù không có gì to tát nhưng cũng gọi là hoàn công, vậy nên hôm nay Văn Trạch Tài cố tình mua một vò rượu ngon để mấy cha con nhâm nhi với nhau. Tuy anh không uống nhưng anh cả và cha vợ khoái cái món này lắm. Chỉ cần rang thêm đĩa lạc nữa là vui quên sự đời.

Sau bữa tối, ba cha con kê cái bàn ra hiên ngồi cho mát mẻ. Văn Trạch Tài lấy trà thay rượu kính hai người họ: “Cha, anh cả, mấy ngày nay vất vả cho hai người rồi.”

Thời gian gần đây tuy không đến mức sớm chiều chung đụng nhưng gặp mặt thường xuyên tất nhiên sẽ thân thiết hơn và cũng dễ tìm được nhiều đề tài chung để nói.

Đương nhiên đàn ông không nói mấy chuyện vặt vãnh con gà củ tỏi như hội chị em phụ nữ. Cái họ quan tâm chủ yếu là chính sách quốc gia với cả làm thế nào để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng hạt giống cây trồng.

Ở đây, Văn Trạch Tài là người có học thức, có văn hoá nhất, vậy nên Điền đội trưởng tự nhiên mà hướng câu chuyện về phía anh: “Có thật là sau này quốc gia sẽ phân bổ công tác cho toàn bộ sinh viên đại học không?”

Văn Trạch Tài buông chén trà, nghiêm túc trả lời: “Kể cả không phải đi chăng nữa thì học đại học cũng là một việc trăm lợi không một hại. Hiện tại, quốc gia đang yêu cầu nhân tài, thậm chí có thể nói là tha thiết kêu gọi người tài đứng ra xây dựng đất nước. Hơn thế nữa còn đẩy mạnh chủ trương nam nữ bình đẳng. Cho nên từ giờ trở đi, giáo dục sẽ được ưu tiên hàng đầu, trẻ em không kể trai hay gái đều được khuyến khích đến trường. Học tập sẽ giúp con em chúng ta thay đổi tương lai.”

Nghe cậu em rể phân tích quá hợp lý, Điền Kiến Quốc liên tục gật gù tỏ ý đồng tình: “Đúng đúng, Đại béo, Nhị béo và cả Hiểu Hiểu nữa nhất định phải đi học. Dù có phải đập nồi bán sắt anh cũng quyết cho chúng học được đại học mới thôi.”

Đúng lúc này Ngô Mai đi ngang qua, loáng thoáng nghe được cái gì mà bán sắt, bán nồi, chị hoảng quá, vội lật đật chạy lại kéo tay chồng: “Cái gì? Nhà mình tới miếng thiếc còn chả có, anh bảo bán là bán cái gì cơ? Em nói cho anh biết, làm như thế là bị quy vào tội đầu cơ trục lợi, là tù mọt gông như chơi đấy. Ngàn vạn lần chớ có dính vào, chẳng may anh bị làm sao thì mẹ con em biết sống thế nào hả?!”

Hiện tại ở trong nhà từ cây cuốc đến cái lưỡi hái đều là tải sản chung, thuộc sở hữu của đội sản xuất. Bình thường lúc làm việc còn phải cẩn thận từng ly từng tý, sợ bị móp méo hỏng hóc chứ nói chi tới chuyện lén bán kiếm tiền.

Haizz, nể tình vợ đang bầu bì bụng mang dạ chửa, Điền Kiến Quốc không muốn đôi co, vậy nên anh lựa chọn cách im lặng cho qua chuyện. Văn Trạch Tài thức thời lập tức đổi qua đề tài khác: “À, lúc đi làm thỉnh thoảng con lại nghe có người nhắc đến chuyện cũ của nhà họ Hạ ở đại đội Thanh Sơn. Nhưng chả bao giờ chịu kể hết chuyện cả, cứ nói lưng chừng là ngừng, kỳ lạ ghê!”

Kỳ thực anh cố tình nói nửa kín nửa hở là muốn thăm dò xem ông Điền đã từng nghe qua tin đồn quái dị nào chưa.

“Hạ gia ở đại đội Thanh Sơn à?” Ông Điền nhíu mày suy ngẫm một lát rồi lắc đầu: “Cha chưa nghe nói qua, nhưng nếu con muốn tìm hiểu chuyện xưa thì nên tới hỏi ông ba Trần. Thế hệ chúng ta gọi là ông còn các con phải kêu bằng cụ.”

Ông Trần năm nay 82 tuổi, là người sống thọ nhất trấn này. Thậm chí toàn bộ huyện thành cũng rất hiếm cụ có được tuổi thọ đáng quý như vậy.

Tuy đã ở độ tuổi gần đất xa trời, răng cỏ rụng hết, da dẻ lấm ta lấm tấm phủ kín bởi các đốm đồi mồi, tay chân già yếu và chậm chạp đi nhiều nhưng ông vẫn giữ được tinh thần minh mẫn, thậm chí vào những hôm đẹp trời còn nổi hứng đòi ra sân chầm chậm tản bộ vài vòng. Chỉ có điều ông nói chuyện khá thều thào, chữ được chữ mất, phải kiên nhẫn lắng tai nghe kỹ lắm thì mới mong hiểu hết nhưng điều ông nói.

Theo chỉ dẫn của cha vợ, hôm nay Văn Trạch Tài mua một cân kẹo mềm tới thăm cụ Trần.

Bởi vì vợ con ông đã qua đời cả cho nên hiện tại ông sống cùng thằng cháu nội, và dĩ nhiên nói là cháu vậy thôi chứ thực tình ông chú ấy cũng đã ngoài bốn mươi rồi.

Thấy có khách tới thăm, chú Trần niềm nở ra mở cổng rồi dẫn đường cho Văn Trạch Tài vào phòng ông nội.

Văn Trạch Tài lễ phép thưa: “Cháu chào cụ ạ.”

Đang lim dim ngủ gà ngủ gật bỗng nghe có tiếng léo nhéo bên tai, ông Trần từ từ nâng mí mắt rồi móm mém cười: “Tới rồi đấy hả?”

Đứng bên cạnh, chú Trần vội vàng lên tiếng giải thích: “Cậu thông cảm, gặp ai ông nội tôi cũng nói vậy cả.”

Văn Trạch Tài khẽ gật đầu, tỏ ý không vấn đề gì.

Kế đó, anh chủ động ngồi xuống chiếc ghế gỗ bên cạnh giường, bắt đầu trò chuyện cùng ông cụ. Mặc dù tuổi tác đã cao nhưng thần trí của ông vẫn còn rất sáng suốt, không hề lẩm cẩm một tí nào, bởi vậy ngay khi Văn Trạch Tài nhắc tới hai chữ “Hạ gia”, nét mặt ông lập tức trầm hẳn xuống, để lộ ra vẻ thương tiếc cùng đau xót tột độ.

Ông thả mình chìm vào miền ký ức đã cất giấu từ rất lâu, trầm ngâm mở lời:

“Năm đó…

Khi ông Trần mới chỉ là cậu ba Trần 15 tuổi, đúng cái độ tuổi thiếu niên tò mò, hiếu kỳ thích tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh.

Và tại thời điểm ấy, dân tình đang xôn xao kháo nhau rằng trên núi Thanh Sơn xuất hiện một cặp hắc bạch hồ ly. Xưa nay người ta chỉ nghe nói có hồ ly đỏ, hồ ly trắng chứ nào ai đã trông thấy hồ ly đen bao giờ. Thế nên lúc bận rộn nông vụ thì thôi chứ hễ rảnh rang một cái là mọi người lập tức kết nhóm lên núi truy tìm hồ ly.

Tiếc rằng rất nhiều người đi nhưng chẳng ai may mắn thu được kết quả gì. Dần già, nó trở thành câu chuyện nhàn thoại, mua vui trong các buổi trà dư tửu hậu. Những tưởng chuyện về hắc hồ sẽ chỉ tồn tại trong truyền thuyết thì kỳ diệu thay cậu ba Trần lại có cơ duyên tận mắt nhìn thấy hồ ly bằng xương bằng thịt.

Hôm ấy, cậu cùng anh hai nhà họ Hạ rủ nhau lên núi kiếm củi, ai dè giữa đường hai anh em bất ngờ trông thấy một con hồ ly trắng muốt, xinh đẹp muôn phần. Và bất ngờ hơn cả chính là, bạch hồ cứ đứng yên một chỗ, nhìn chằm chằm về phía này với đôi mắt ầng ậc nước như thể đang đau khổ van xin cầu cứu, thậm chí còn liên tục phát tín hiệu ý bảo bọn họ theo sau.

Bạn đang đọc [Dịch] Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư của Tuý Cai Ngoạn Tử

Thông Tin Chương Truyện

  • Đăng bởi

    TruyenYY Pro

  • Phiên bản

    dịch

  • Thời gian

    1y ago

  • Lượt đọc

    217

  • Đọc chương VIP load siêu nhanh trên ứng dụng dành riêng cho iOS và Android. Nhấn vào link sau để tải ngay nhé!