Đúng lúc này ông lão ở căn tiệm kế bên đột nhiên ngó đầu sang thông báo: “Văn đại sư, có người tìm thầy.”
Kể từ sau khi biết được tài năng cũng như bản lĩnh thực sự của Văn Trạch Tài, tất cả người dân trong con hẻm cổ đều kính trọng mà gọi anh một tiếng Văn đại sư.
Nghe có người gọi mình, Văn Trạch Tài toan đứng dậy thì Triệu Đại Phi đã nhanh chân hơn một bước, cậu ấy vội vàng giao nộp túi tiền cho sư mẫu rồi hớn hở chạy vọt ra ngoài đón khách.
Cỡ vài giây sau, còn chưa thấy người đâu đã nghe cái giọng lanh lảnh của Triệu Đại Phi truyền vào rồi: “Sư phụ, đồng chí Phú tới.”
Ai nhỉ, Văn Trạch Tài ngờ ngợ đứng dậy thì liền trông thấy vị khách quen hôm bữa. Ồ, thì ra chính là chàng thanh niên tới tính thọ mệnh đây mà, hôm nay cậu ấy tới đây có việc gì nhỉ?
Không để Văn Trạch Tài phải thắc mắc quá lâu, vừa bước qua ngạch cửa một cái, Phú Quốc Khánh đã quỳ sụp xuống đất trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người đồng thời bày tỏ lòng cảm kích vô ngần: “Văn đại sư, đội ơn thầy, gia đình chúng tôi đội ơn thầy vì đã cứu mẹ tôi một mạng.”
Điền Tú Phương và Trần Vân Hồng cũng sửng sốt dừng tay, vội vàng chạy lại xem có chuyện gì mà vị khách này lại xúc động dữ vậy.
Không đợi Văn Trạch Tài phân phó, Triệu Đại Phi nhanh nhẹn đỡ Phú Quốc Khánh dậy, kéo cái ghế gỗ cho cậu ấy ngồi xuống rồi mau chóng đi ra phía sau đun nước pha trà.
Bây giờ, Phú Quốc Khánh mới có thể bình tĩnh trình bày lại toàn bộ sự tình cho Văn Trạch Tài nghe.
Vốn là hôm đó sau khi rời khỏi sạp của Văn Trạch Tài, Phú Quốc Khánh cùng mẹ đi lấy quần áo mới rồi về nhà nấu bữa trưa. Trên bàn cơm, bà Phú liền mách ông Phú chuyện Phú Quốc Khánh dám lén gia đình đi xem bói. Nghe xong, ông Phú lập tức nổi trận lôi đình, mắng Phú Quốc Khánh uổng phí bao nhiêu công lao học tập ngần ấy năm, mang tiếng đọc sách nọ sách kia mà đầu óc ngu muội, u mê, tin ai không tin lại đi tin lời mấy thằng thầy bói nhắm mắt đoán bừa.
Mặc dù cũng bán tin bán nghi chưa rõ lời Văn Trạch Tài phán có đúng hay không thế nhưng cẩn tắc vô áy náy, chứ ngộ nhỡ xảy ra bất trắc gì thì ân hận chết, thế nên Phú Quốc Khánh vẫn cố gắng nhẹ giọng thuyết phục mẹ: “Mẹ à, gần nhà bà cô có cái đập nước, mà chỗ đó con thấy rộng với cả sâu lắm đấy. Ban nãy đại sư có nói năm nay mẹ…”
Bà Phú bực mình đập bộp đôi đũa xuống bàn, trực tiếp đánh gãy lời thằng con: “Mẹ nói cái gì mày quên sạch rồi phải không? Đã bảo tuyệt đối không nhắc lại chuyện này nữa cơ mà. Đại sư đại sư cái khỉ gì, toàn một lũ bịp bợm gian trá, chỉ có mày nhẹ dạ cả tin mới bị chúng nó dụ thôi chứ còn lâu mới lừa được mẹ!”
Tuy nhiên, Phú Quốc Khánh vẫn ráng nài nỉ những mong mẹ sẽ suy nghĩ lại: “Nhưng mà con thấy anh ta đâu có giống hạng người gian manh xảo trá đâu. Mẹ, gì thì gì mình cứ cẩn thận một tí, đằng nào cũng chả mất gì mà lại yên tâm hơn. Mẹ à…”
Ông Phú lắc đầu, thở dài ngao ngán: “Con ơi là con, mày vẫn còn non và xanh lắm. Ra đời càng những kẻ tỏ ra đạo mạo, đứng đắn thì càng phải đề phòng, nếu không bị chúng nó nuốt sống lúc nào không hay đâu!”
Nói hết nước hết cái cũng không thể lay chuyển được quyết định của cha mẹ, cuối cùng Phú Quốc Khánh đành phải theo hai người họ tới dự lễ mừng thọ bà cô. Suốt cả buổi chiều vui chơi ăn uống, tới tối mọi người vẫn bình an vô sự, không xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn, Phú Quốc Khánh bắt đầu cảm thấy êm êm, dần buông lỏng cảnh giác. Nhưng không ngờ giữa trưa hôm sau, khi cậu với mấy người anh họ đi tản bộ trở về liền nghe bà cô nói cha mẹ cậu cùng các bác rủ nhau ra đập nước hóng gió, ngắm cảnh.
“Lúc ấy tim tôi đập thình thịch, linh cảm mách bảo chắc chắn có chuyện chẳng lành, vì thế vội vàng ba chân bốn cẳng phóng vọt ra khu vực đập nước. Mấy ông anh thấy tôi hốt hoảng mặt mũi tái xanh tái dại cũng gấp gáp chạy đuổi theo. Từ xa tôi đã trông thấy mấy bác nhà mình đang sốt ruột đi qua đi lại, vẻ mặt ai cũng hoảng hốt pha lẫn sợ hãi. Vừa nhìn thấy tôi, một bác gái đã mếu máo nói đang đứng chơi thì mẹ tôi làm rớt khăn tay xuống dòng sông nhỏ cạnh con đập, bà duỗi tay tính nhặt lên thì không hiểu sao lại bị trượt chân tẽ nhào vào lòng sông.”
“Con sông đó tuy cạn nhưng phía cuối nước chảy rất siết. Cơ thể bà vốn thấp bé, nhẹ cân, lại không biết bơi thế nên mau chóng bị hút vào xoáy nước.”
Mặc dù chuyện đã qua rồi nhưng mỗi lần nhắc lại Phú Quốc Khánh vẫn còn cảm thấy kinh hồn bạt vía, chân tay lạnh ngắt vì sợ hãi. Phải dừng lại một nhịp điều chỉnh tâm trạng, cậu mới có thể kể tiếp: “Mấy ông anh họ của tôi bơi rất giỏi ấy vậy mà cũng phải loay hoay mất nửa giờ đồng hồ mới có thể cứu được mẹ tôi lên bờ. Sau đó cả nhà lập tức cõng mẹ vào bệnh viện. Bác sĩ chuẩn đoán nước đã tràn vào tai và phổi, thế nên phải nằm viện hai ngày theo dõi. Nhưng may mắn giữ được tính mạng, thế là phúc đức lắm rồi!”
Văn Trạch Tài gật đầu, vô cùng cảm thông với mớ cảm xúc hỗn độn của Phú Quốc Khánh: “Rất may cậu tin và lưu tâm những lời tôi đã nói. Đấy là phúc phần của cậu cũng như bà nhà.”
Phú Quốc Khánh liên tục gật đầu, rối rít thể hiện lòng biết ơn: “Quả thực gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích, nhờ lời nhắc nhở của thầy mà mẹ tôi mới may mắn vượt qua được kiếp nạn này. Đây là chút lòng thành của gia đình chúng tôi. À, mẹ tôi nhờ chuyển lời xin lỗi tới thầy, mong thầy bỏ qua cho bà ngu muội, có mắt mà không trông thấy núi Thái Sơn, lần này bà sợ lắm rồi, hy vọng đại sư sẽ không chấp nhất.”
Văn Trạch Tài mỉm cười, đẩy trả lại phong lì xì trước mặt: “Thôi được rồi, dẫu vậy thì bà nhà cũng bị thương tổn, gia đình không cần gửi tạ lễ cho tôi đâu.”
Đúng lúc Triệu Đại Phi bưng trà lên tới, vừa hay nghe được trọn vẹn lời này, một nỗi thất vọng thoáng xuất hiện nhưng rất nhanh đã bị đẩy lùi. Xời, sư phụ lợi hại vậy mà, nhằm nhò gì vài ba đồng bạc lẻ. Kệ đi, mai này tiếng lành đồn xa, khách khứa kéo nhau tìm tới không ngớt, lúc ấy có mà tiền đếm không xuể, chỉ sợ chị em phụ nữ bị thua rồi lại quê xệ thôi, haha!
Tuy nhiên Phú Quốc Khánh cũng là người ứng xử khéo léo, cậu mỉm cười nói: “Nếu vậy thì nhờ đại sư tính cho tôi một quẻ, cái này xem như tiền phí, tôi xin được gửi trước.”
Dứt câu, Phú Quốc Khánh trực tiếp nhét phong bao lì xì vào tay Triệu Đại Phi. Và đương nhiên Triệu Đại Phi không từ chối rồi. Xời ơi, tiền đã vào tay nỡ lòng nào lại đẩy ra, đúng không? Thế là cậu chàng nhanh nhẹn rót trà rồi sau đó cố tình lượn ra chỗ vợ, tủm tỉm khoe khoang.
Một loạt các hành động của Triệu Đại Phi quá nhanh khiến Văn Trạch Tài trở tay không kịp. Hơn nữa chỗ này đang có khách hàng cũng không tiện giáo huấn đệ tử, thành ra Văn Trạch Tài đành gật đầu với Phú Quốc Khánh, hỏi xem cậu ấy muốn tính cái gì.
Phú Quốc Khánh thoáng đánh mắt qua chỗ Điền Tú Phương và Trần Vân Hồng, rồi chủ động hạ thấp giọng, xấu hổ trình bày: “Đại sư, có phải hôm trước thầy bảo quý nhân của đời tôi chính là bà xã tương lai đúng không?! Chả giấu gì thầy, năm nay tôi đã hai mươi mấy tuổi đầu rồi nhưng vẫn không dám ngỏ lời quen ai vì quan ngại sức khoẻ mình yếu đuối, rủi xảy ra chuyện gì thì ảnh hưởng tới cả đời con gái nhà người ta. Nhưng giờ khác rồi, đại sư, thầy tính giúp tôi xem khi nào tôi mới gặp được cô ấy?”
Nghe vậy, Điền Tú Phương và Trần Vân Hồng tò mò ngẩng đầu, im lặng liếc nhìn nhau, còn Triệu Đại Phi thì vội vàng bịt kín miệng vì sợ sẽ bật cười thành tiếng mất.
Trên bàn nước, Văn Trạch Tài chỉ chỉ khuôn mặt Phú Quốc Khanh: “Nhìn cậu sắc mặt hồng hào, vận đào hoa đã bắt đầu nở rộ. Chỉ trong vòng hai ngày tới, cậu chắc chắn sẽ gặp được ý trung nhân của đời mình. Hơn nữa, cô ấy lại còn là phúc tinh giúp cậu vượt qua bệnh tật!”
Phú Quốc Khánh vô thức hít vào một hơi, hồi hộp hỏi dồn: “Đại sư, ý của thầy là cô ấy làm việc có liên quan tới lĩnh vực y khoa hả?”
Văn Trạch Tài không trả lời trực tiếp mà chỉ tủm tỉm căn dặn: “Nếu không có việc gì thì chịu khó ra ngoài đi dạo xung quanh.”
Phú Quốc Khánh cười tít mắt, liên tục gật đầu tỏ ý đã hiểu: “Vâng vâng, cảm ơn đại sư, cảm ơn đại sư đã chỉ điểm.”
Ngồi thêm một lát, Phú Quốc Khánh xin phép đứng dậy rời đi.
Đúng lúc này, Hiểu Hiểu hấp tấp chạy vọt về hốt hoảng báo tin: “Cha, bà của anh Nam chết rồi, ông anh ấy đang ngất xỉu dưới đất.”
“Anh Nam” trong miệng Hiểu Hiểu chính là cháu nội của ông lão, hàng xóm sống ngay sát bên cửa hàng quần áo của Điền Tú Phương.
Cái gì? Vợ chồng Văn Trạch Tài cùng vợ chồng Triệu Đại Phi sợ nhảy dựng, không nói hai lời vội vàng chạy sang xem tình hình thế nào. Lúc tới nơi đã thấy người dân xung quanh kéo đến đứng đầy một nhà, phải khó khăn lắm, Văn Trạch Tài mới len được vào bên trong. Xác thực, bà cụ đã trút bỏ dương khí, còn ông cụ vì quá bi thương khi phải tiễn biệt người bạn già nên đã ngất lịm đi như một cách chạy trốn hiện thực đau lòng.
Không khí tang thương mau chóng lấp đầy mọi khoảng trống, hơn nữa lại thương cho cảnh nhà đơn chiếc, tất cả những người có mặt đều không kìm được nỗi xúc động:
“Tội nghiệp thằng bé quá!”
“Ừ, công nhận tội thật, cha mẹ nó mất sớm chỉ để lại mỗi một căn nhà. Bao năm nay thằng bé chỉ biết dựa vào ông bà nội, mà bà thì bệnh tật đau ốm liên miên, còn ông thì chân cẳng đi lại không tiện. Giờ bà cụ mất rồi, tôi nhìn ông ấy suy sụp như vậy…chỉ sợ rằng cũng chẳng trụ được bao lâu nữa, haizz…”