Trưa hôm sau, Văn Trạch Tài đang lúi húi ở dưới bếp giúp vợ nấu cơm thì nghe thấy có tiếng một người phụ nữ dè dặt hỏi vọng vào: “Xin hỏi, đây có phải nhà của Văn đại sư không ạ?”
Văn Trạch Tài tủm tỉm cười: “Đúng rồi”, sau đó anh tạm bỏ công việc trên tay xuống, thong thả bước ra mở cổng.
Quả nhiên người tới chính là bà Khâu, vợ Khâu Đại Thành.
Văn Trạch Tài giữ đúng lễ tiếp khách: “Ồ, bà Khâu đấy à, mời bà vào trong nhà ngồi chơi uống hớp nước.”
Tiếc rằng, bà Khâu cứ một mực xua tay, không dám bước vào trong sân nửa bước chứ đừng nói tiến vào phòng khách ngồi chơi: “Không được, không được, hôm nay tôi thành tâm tới đây dâng lễ sám hối, thỉnh thầy nhận cho ạ.”
Nói rồi bà nặng nhọc hạ cái sọt mây trên vai xuống, nhanh tay lật mấy tờ báo lên để lộ ra một sọt đầy tràn toàn thịt là thịt.
Chỗ này bét cũng phải cỡ mười lăm, hai mươi kí chứ chẳng thể ít hơn.
Văn Trạch Tài chủ động diễn vẻ “kinh ngạc”: “Ôi trời bà Khâu, bà nói lễ sám hối gì cơ?”
Bất thình lình, một màn ký ức kinh hoàng ngày hôm qua dội ngược về, bà Khâu sợ run, lắp ba lắp bắp chữ nọ xọ chữ kia: “Tôi…biết…không…không biết nữa…Là chồng tôi bảo mang cái này đến đưa cho thầy, thỉnh thầy nhận…nhất định phải nhận cho ạ…”
Văn Trạch Tài làm bộ nhíu mày, lắc đầu từ chối: “Vô công bất thụ lộc, làm sao tôi có thể nhận loại lễ không minh bạch thế này được.”
Bà Khâu sợ muốn chết, cuống quýt phân bua: “Không phải, không phải, tuyệt đối minh bạch, đảm bảo rất rất minh bạch, đây là lễ vật chúng tôi thành tâm dâng lên thầy, mong thầy nhận cho chúng tôi an lòng ạ.”
Văn Trạch Tài quan tâm hỏi: “Bà Khâu, có phải ông Khâu đã xảy ra chuyện gì hả?”
Nhớ tới lời chồng dặn, bà Khâu lại tiếp tục lắc lấy lắc để: “Không có, không hề xảy ra chuyện gì bất thường hết.”
Văn Trạch Tài khe khẽ thở dài: “Tôi đã sớm nói với ông Khâu rồi, có một số việc ngàn vạn lần không nên nghĩ bàn, càng không thể đụng tay. Trở về bà nhớ chuyển lời tới ông ấy rằng, những nơi nào bề ngoài càng hào nhoáng, càng tốt đẹp thì thực chất lại chính là hố lửa đấy, chớ có mờ mắt mà lao đầu vào.”
Chăm chú nghe như nuốt từng lời, bà Khâu gật đầu lia lịa: “Dạ, dạ, tôi nhớ kỹ rồi, lát về tôi nhất định nói lại với ông nhà tôi. Còn chỗ thịt này…”
Giờ tới phiên Văn Trạch Tài thở dài: “Thôi được rồi, nếu đã là tâm ý của ông Khâu vậy thì tôi xin nhận.”
Cuối cùng cũng chờ được lời này của đại sư, bà Khâu như thể người có đại tội được hưởng đặc xá, bà rối rít cúi đầu cảm tạ rồi cuống quýt cắm đầu cắm cổ chạy. Nếu không phải Văn Trạch Tài gọi lại thì chắc bà ấy cũng bỏ luôn cái sọt, chả dám lấy.
Đứng ở cửa bếp, Điền Tú Phương nhấp nhổm ngó nghiêng không biết ai tới chơi mà lại không vào trong ngồi nói chuyện cho đàng hoàng. Một lát sau, cô thấy chồng tủm tỉm đi vào, khệ nệ bưng một cái sọt thoạt nhìn có vẻ khá nặng. Và điều đáng chú ý hơn cả chính là, hình như tâm tình của ông xã đang rất vui vẻ thì phải.
Văn Trạch Tài hơi cúi người, đặt sọt thịt xuống trước mặt vợ: “Lấy một miếng tối nay mời cha mẹ với anh chị cả sang liên hoan. Còn lại bao nhiêu em ướp muối rồi treo lên hong gió hết đi. À, đúng rồi…” Văn Trạch Tài bắt lấy một cái chân sau to tướng: “Cái này lát cơm nước xong em đưa cho mẹ cầm về.”
Điền Tú Phương ái ngại nhìn đống thịt chất đầy trước mắt: “Ăn cái này liệu có vấn đề gì không anh?”
Dù sao cũng là đồ do Khâu đội trưởng đưa đến, nhất định phải hết sức thận trọng mới được bởi không dưới hai lần chính cha đã cảnh báo ông ấy không phải hạng người ngay thẳng, đàng hoàng.
Trái ngược với âu lo trong lòng vợ, Văn Trạch Tài vẫn điềm nhiên như thường, anh cười trấn an: “Không sao đâu, em cứ yên tâm làm đi.”
Chuyện của Khâu Đại Thành vẫn chưa dừng lại ở đây đâu!
Hôm nay tụi nhỏ được nghỉ học nên ngay từ sáng sớm, Hiểu Hiểu đã chạy tót sang ông bà ngoại chơi với hai anh Đại béo và Nhị béo, ham vui quá cũng chả thiết về ăn cơm trưa với cha mẹ. Tới tận xế chiều, bé mới cùng mọi người về nhà mình.
Tô Lan Lan cùng bà Điền nhanh nhẹn xuống bếp hỗ trợ Điền Tú Phương nấu nướng, còn bà bầu Ngô Mai thì được đặc cách ngồi ở sân hóng mát tiện thể trông đám nhỏ chơi đùa, trong khi ấy cánh đàn ông bưng hẳn bàn ghế ra hè, vừa uống nước vừa chuyện trò cho đỡ nóng nực.
Thời tiết oi bức đến độ ông Điền chả thèm động tới gói thuốc lá yêu quý, ông rót liên tục mấy ly trà lạnh, uống ừng ực tới khi thoả cơn khát mới mệt mỏi cất lời: “Năm nay công nhận nóng thật đấy, nóng hơn năm ngoái bao nhiêu.”
Ngồi bên cạnh, Điền Kiến Quốc và Văn Trạch Tài mỗi người cầm một cái quạt hương bồ, thi nhau quạt lấy quạt để. Quạt này là do chính tay ông Điền đan cho nên chắc chắn vô cùng, có mà dùng mấy mùa cũng không sợ hỏng.
Người lớn thì ngồi thôi cũng nực nội chả thở nổi ấy vậy mà bọn trẻ dường như chẳng biết nóng là gì, chúng cứ thoăn thoắt chạy ngược chạy xuôi, cười nói la hét vang cả khoảng sân.
Văn Trạch Tài cũng uống một hớp trà rồi gật đầu đồng tình với quan điểm của cha vợ: “Kiểu này có khi phải nắng nóng hai tháng nữa mất.”
“May mắn hoa màu đều thu hoạch xong hết rồi, thế nên cũng không sợ thời tiết làm ảnh hưởng tới sản lượng nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn buộc phải ra đồng xới đất cho kỹ, nếu không mùa vụ sang năm thất thu như chơi.”
Hiện tại cả thôn chỉ có đúng ba con trâu mà hai trong số đó vẫn đang là nghé, thế nên tất cả công việc đều dồn hết lên vai con trưởng thành. Đâm ra để đảm bảo sức khoẻ cho nó, tránh tình trạng trâu chết vì kiệt sức, thôn dân quyết định chia nhau, dùng sức người xử lý hai phần ba diện tích đất ruộng. Và tất nhiên người là bằng xương bằng thịt chứ nào phải mình đồng da sắt, phơi mình dưới cái nắng gay gắt như này thì thể nào cũng cảm nắng thôi.
Mới chỉ nghỉ mà đã thấy sợ rồi, Văn Trạch Tài chép miệng: “Thời tiết này mà cầy bừa thì e rằng Lý thôn y sẽ bắt bệnh không ngơi tay cho xem.”
Mấy cha con ngồi nói chuyện một lát, loáng cái cơm nước đã được chuẩn bị xong. Điền Tú Phương dọn lên cả một bàn đầy ắp thịt, thơm nức múi khiến đám trẻ vui hơn cả Tết.
Mọi người nhanh chóng nhập tiệc, từ trẻ con cho tới người lớn, ai cũng hồ hởi, phấn khởi không thôi.
Cơm no rượu say, mọi người lục tục kéo nhau về nhà nghỉ ngơi, Điền Tú Phương nhanh nhẹn dúi vào tay mẹ cái chân giò đã được gói cẩn thận trong giấy dầu.
Vì quá bất ngờ, bà Điền giẫy nảy: “Ôi trời, cái gì thế này. Thôi thôi, mẹ không cầm đâu. Ai lại vừa ăn vừa gói mang về bao giờ. Con giữ lại mai hầm nồi canh cho Trạch Tài với cả Hiểu Hiểu tẩm bổ.”
Đứng bên cạnh, Ngô Mai thèm thuồng nhìn không chớp mắt. Đừng nói đang trong thời kỳ bầu bì, cơ địa đỏi hỏi nhiều chất dinh dưỡng, mà ngay cả khi không mang thai cô cũng muốn ăn thịt, huống hồ cái chân giò trông to và ngon thế kia, lóc xương xong rồi chặt nhỏ ra cũng phải ngả được mấy món ấy chứ.
Thấy mẹ và vợ cứ đẩy qua đẩy lại, Văn Trạch Tài trực tiếp bước lên hai bước vừa vặn che trước mặt vợ. Anh mỉm cười nhưng giọng nói rất kiên định: “Mẹ ơi, mẹ cầm về đi, bằng không con sẽ tự mình mang sang để vào bếp của mẹ đấy.”
Con rể đã nói đến thế rồi, không nhận thì cũng kỳ, cuối cùng bà Điền đành cười cười cầm lấy rồi cùng chồng và các con đi bộ về Điền gia.
Tiễn mọi người đi khỏi, Văn Trạch Tài một bên khép cổng một bên nói với vợ: “Anh sợ nhất cái cảnh đùn qua đẩy lại thế này. Nhớ lúc bé anh còn nhìn thấy người ta cãi cọ, thậm chí xô đẩy nhau nữa cơ. Xem mà hãi hùng tới tận bây giờ.”
Điền Tú Phương bật cười: “Thế đã là gì, em còn chứng kiến cảnh tượng kinh khủng hơn cơ.”
Văn Trạch Tài ngạc nhiên: “Thật hả, còn có thể kinh khủng hơn nữa hả?”
Điền Tú Phương gật đầu: “Vâng, cả người nhận lẫn người cho đều hăng hái, một bên đùn một bên đẩy, cuối cùng rách cả túi áo, đồ vật rơi tung toé cả ra.”
Văn Trạch Tài méo xệch mặt! Chả hiểu kiểu gì, cuối cùng cũng nhận mà, cớ sao cứ phải làm bộ làm tịch thế nhỉ, giả tạo quá! Chợt nghĩ tới cái gì, anh liền căn dặn vợ: “Em nhớ kỹ nha, mai này ai cho Hiểu Hiểu nhà mình cái gì thì cứ nhận luôn cho rồi, đừng khách sáo làm gì cho mệt ra.”
Điền Tú Phương chớp chớp đôi lông mi cong vút: “Thoải mái như hôm nay anh nhận thịt của bà Khâu ấy hả?”
Văn Trạch Tài lúng túng ho khụ một tiếng đánh trống lảng: “Anh…anh vào phòng xem Hiểu Hiểu ngủ chưa”, nói rồi chân thấp chân cao chạy biến như ma đuổi.
Đứng tại chỗ nhìn theo, Điền Tú Phương cong môi nở nụ cười đầy yêu chiều. Lâu lắm rồi mới bắt gặp lại bộ dạng xấu hổ của ông xã, thật là đáng yêu quá đi!
===
Về phần Khâu Đại Thành, ông ta đang sốt ruột như điên, cứ nhấp nha nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Vừa thoáng thấy bóng dáng bà vợ về tới cổng, ông hấp ta hấp tấp lao thẳng ra sân, hỏi lấy hỏi để: “Sao sao, có nhận không?”
“Có, nhận rồi, còn cười tủm tỉm nữa”, nghĩ nghĩ một chút bà nói tiếp: “Nhưng nhìn bộ dáng thì hình như đại sự hoàn toàn chả biết chuyện gì cả. Hay là ông đoán lầm rồi.”
Vậy sao? Khâu Đại Thành cau chặt mày, chắp tay sau đít đi qua đi lại trầm tư suy nghĩ, nhưng khổ nỗi có nghĩ nát óc cũng không tài nào luận ra rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu. Cuối cùng, ông ta đành chép miệng nói: “Thôi cứ để từ từ xem xem thế nào rồi tính tiếp!”
===
Quay lại với chuyện thi đại học. Mặc dù kỳ thi đã kết thúc, nhưng có lẽ sớm nhất cũng phải cuối tháng tám mới có kết quả. Vậy nên Văn Trạch Tài rất bình tĩnh, vẫn ăn uống và sinh hoạt như bình thường, nên làm cái gì thì làm cái đó, tuyệt đối không thấp thỏm hồi hộp tí nào. Tuy nhiên đấy là anh, còn lại những thanh niên trí thức khác thì đối nghịch hoàn toàn. Từ hôm thi xong cho tới nay, lúc nào họ cũng trong trạng thái hồn vía lên mây, đờ đẫn xanh xao vì lo lắng tới mức mất ăn mất ngủ và đương nhiên công việc cũng theo đó mà chậm trễ, ì ạch. Thậm chí đụng đâu hỏng đó, sờ đâu hư đó, không làm được việc gì ra hồn. Điều này khiến Điền đội trưởng và Chu Xuân Hoa tức giận vô cùng vì nếu tình trạng cứ kéo dài thì sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần cũng như cường độ lao động của toàn thể đại đội.
Cực chẳng đã, Điền đội trưởng buộc phải triệu tập cuộc họp toàn thôn, nghiêm khắc phê bình những thanh niên trí thức có biểu hiện lơ là trong công tác đồng thời không hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tất nhiên trong danh sách bị phê bình không có tên Văn Trạch Tài, bởi mỗi ngày anh đều làm đúng làm đủ công việc của mình với một thái độ vô cùng nghiêm túc và hăng hái, tuyệt đối không có kiểu cà lơ phất phơ, làm ẩu làm tả vì còn mải nghĩ đông nghĩ tây như những thanh niên trí thức khác.
Hôm nay, Văn Trạch Tài vừa đi làm về, đang ngồi trong phòng khách chưa kịp rót miếng nước thì Triệu Đại Phi hớt hơ hớt hảo lao vào, gọi rối rít tít mù hết cả lên: “Đại ca, đại ca ơi, giúp em với…”
Văn Trạch Tài nhíu mày, bắt nó ngồi xuống ghế cho đàng hoàng rồi mới bình tĩnh cất lời: “Có chuyện gì, nói!”
Triệu Đại Phi gãi đầu ngượng ngùng, ấp a ấp úng mãi mới thốt được vài từ: “Em…em muốn nhờ đại ca…hmm…thì là… nhờ đại ca làm mai giúp cho em…”
Văn Trạch Tài nhướng mày: “Trời ơi, thế mà cứ rối hết cả lên, lại tưởng gặp phải chuyện kinh thiên động địa gì chứ.”
Triệu Đại Phi lí nhí phân bua: “Tại…tại em kích động quá.”
Biết không phải việc gì gấp, Văn Trạch Tài thong thả pha hai ly trà mát cho mình và Triệu Đại Phi mỗi người một ly, sau đó mới từ từ hỏi chuyện: “Là cô Trần phải không?”
“Thật không hổ danh là đại ca của em, hí hí, anh đoán trúng rồi. Anh, Vân Hồng đồng ý gả cho em rồi. Hahaha” Nói tới đây, Triệu Đại Phi không kìm được, kích động đứng phắt dậy, chạy qua tóm lấy cánh tay Văn Trạch Tài: “Anh, cha mẹ em mất sớm, họ hàng như nào thì anh cũng biết rồi đấy. Em chỉ có mỗi anh và chị dâu là chỗ thân thiết nhất thôi cho nên em muốn nhờ anh chị sang nhà gái hỏi vợ giúp em.”